Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các sự kiện kinh tế nổi bật năm 2013

HNMO| 27/12/2013 12:59

(HNMO) – Năm 2013 đang dần khép lại và bức tranh kinh tế tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã tươi sáng hơn. Báo Hànộimới Online bình chọn một số sự kiện tiêu biểu.

GDP tăng trưởng, nền kinh tế dần hồi phục

Tăng trưởng GDP năm 2013 ước đạt xấp xỉ 5,4%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra 5,5% ; nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012. Nền kinh tế được cải thiện qua từng quý và đang dần phục hồi, vẫn giữ được quy luật tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước: GDP quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54% và quý IV tăng 5,91%.

Trong đó, nếu như khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng xấp xỉ của năm trước, đạt 2,67%, khu vực công nghiệp và xây dựng lại tăng thấp hơn cùng kỳ, chỉ đạt 5,43%. Đặc biệt, khu vực dịch vụ đã có đóng góp đáng kể cho GDP với mức tăng 6,56%.

Lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm qua

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 tăng khoảng 6,04% so với năm 2012 là mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Có được kết quả này là nhờ những chính sách điều hành kịp thời của Chính phủ.

Các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt các biện pháp, chính sách có hiệu quả về tăng cường quản lý giá thị trường, cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI và kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013.

CPI năm 2013 tăng thấp chủ yếu do vụ đông-xuân, hè-thu năm nay được mùa trên cả nước nên nguồn cung lương thực dồi dào, cùng với đó là sức mua phục hồi chậm, tổng cầu thấp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2013 ước tăng 12,6%, loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,6%, thấp hơn so với năm 2012 (tăng 6,2%). Trong khi đó, các doanh nghiệp bị tồn đọng sản phẩm.



Hụt thu ngân sách nhà nước

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2013 ước tính đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán năm. Trong đó thu nội địa 530 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2%; thu từ dầu thô 115 nghìn tỷ đồng, bằng 116,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6%.

Như vậy, sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu ngân sách nhà nước cả năm ước tính không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn nên số thuế phát sinh phải nộp thấp làm cho số thu nội địa giảm mạnh.

Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD

Năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước ước đạt 132,2 tỷ USD (vượt chỉ tiêu 126 tỷ USD mà Quốc hội đề ra), tăng 15,4% so với năm 2012. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 88,4 tỷ USD, tăng 22,4%.

Trong cán cân thương mại, Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu; riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu gần 14 tỷ USD.  Xuất khẩu tăng trưởng khá từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Sau gần 20 năm nhập siêu (kể từ năm 1993), đặc biệt là có 6 năm nhập siêu lớn (2006-2011) với mức bình quân 12,1 tỷ USD/năm, tiếp theo năm 2012, năm 2013 là năm thứ hai nền kinh tế nước ta đã xuất siêu.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vượt xa mục tiêu đề ra

Theo số liệu đến 15/12/2013, trong tổng số vốn FDI trên có 14,3 tỷ USD của 1.275 dự án cấp mới, tăng 70,5% và 7,3 tỷ USD vốn tăng thêm của 472 lượt dự án, tăng 30,8%. Trong khi đó, vốn thực FDI thực hiện năm 2013 ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012.

Về cơ cấu, vốn FDI năm nay chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với 16,6 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2 tỷ USD, chiếm 9,4%. Các ngành còn lại đạt 3 tỷ USD, chiếm 13,7%.

Hơn 12,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại

Kết quả khảo sát nhanh động thái 700 doanh nghiệp Việt Nam trên toàn quốc được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 được các doanh nghiệp cảm nhận là tốt hơn so với 2012.

Thực tế, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 11 tháng tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất đã quay trở lại hoạt động tăng dần qua từng tháng, 11 tháng có khoảng 12,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Các doanh nghiệp dự cảm, sản xuất, kinh doanh năm 2014 sẽ khởi sắc hơn bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thực sự hiệu quả. Theo đó, có 50,7% doanh nghiệp có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014, 42,5% doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh và 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ 0,1% doanh nghiệp có thể sẽ phải tạm ngừng hoạt động.

Trước bối cảnh trên, VCCI kiến nghị Chính phủ nên tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm là giải phóng hàng tồn kho, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, quyết liệt tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng...

Thị trường chứng khoán hồi phục mạnh

Mặc dù năm 2013 thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ có sự thoái lui đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài nhưng tổng dòng vốn ngoại luân chuyển trong năm nay vẫn tăng 54%, giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. Các chỉ số giá chứng khoán đều tăng so với cuối năm 2012. Tính đến ngày 27/12, VN-Index 23%, HNX-Index tăng 19,5%. Sự gia tăng của các chỉ số chứng khoán trong năm 2013 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới.

Lần đầu tiên NHNN tổ chức đấu thầu vàng

Để tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp bình ổn thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, từ ngày 28/3/2013, NHNN đã tiến hành tổ chức đấu thầu bán vàng ra thị trường giúp các ngân hàng có đủ vàng tất toán trạng thái và đáp ứng nhu cầu của người dân. Tính đến ngày 20/12, sau 75 phiên đấu thầu, 1.799.900 lượng, tương đương 69,2 tấn vàng, trúng thầu trên tổng số 1.912.000 lượng chào. Trong số trên, có khoảng 30 tấn được các ngân hàng sử dụng để tất toán số dư huy động vàng. Số còn lại, được các đơn vị trúng thầu bán ra thị trường. Lúc đầu, số lượng vàng chào bán là 26.000 lượng với 3 phiên/tuần, sau đó có phiên lên tới 40.000 lượng. Tuy nhiên, sau thời hạn tất toán trạng thái vàng của ngân hàng (30/6), NHNN hạn chế cung vàng ra thị trường bằng cách giảm lượng dần lượng chào thầu và tần suất đấu thầu. Phiên có số vàng thừa kỷ lục là phiên thứ 67, thừa tới 3.700 lượng. Với việc NHNN cung mạnh vàng, thị trường đã có một năm ổn định.

Tiếp tục sáp nhập, hợp nhất ngân hàng

Tiếp nối năm 2012, năm 2013 việc tái cấu trúc ngân hàng là trọng tâm của ngành ngân hàng. Trong năm nay, có thương vụ hợp nhất đáng chú ý là giữa Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank) và Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng (Pvcombank). Sau khi chính thức hợp nhất từ tháng 9, Pvcombank có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Mục tiêu của PVcombank là lãi khoảng 420 tỷ đồng trong năm nay; năm 2014 và 2015 lãi lần lượt 756 tỷ đồng và 1.235 tỷ đồng.

Thương vụ sáp nhập DaiABank vào HDBank cũng gây chú ý. Ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng. Cái tên DaiABank sẽ không còn trên thị trường sau sáp nhập. Ngày 24/5, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam ra mắt với tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án sử dụng nguồn lực từ tập đoàn Thiên Thanh để cái cơ cấu.

Như vậy, đến nay đã cơ bản xử lý được 9 ngân hàng thương mại yếu kém nhất trong toàn hệ thống. Và thực tế hoạt động ngân hàng vừa qua, hệ thống đã ổn định hơn và không để xảy ra tình trạng đổ vỡ là kịp thời và kiên quyết xử lý được 9 ngân hàng thương mại yếu kém này.

Mở gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở

Từ ngày 1/6/2013, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai nhằm tạo điều kiện cho người dân mua được nhà xã hội giá rẻ; đồng thời hỗ trợ thị trường bất động sản ấm lên. Lãi suất cho vay áp dụng cho chương trình này tối đa là 6% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm đối với khách hàng là cá nhân và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp. Tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhận lần lượt là 30% và 70% từ gói tín dụng này. Theo kế hoạch, gói tín dụng sẽ được giải ngân chậm nhất trong vòng 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013.

Sau một thời gian triển khai, việc giải ngân chậm này rất chậm chủ yếu do quy định về việc xét duyệt cho vay, quy định đối tượng, các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận gói ưu đãi; nguồn nhà ở xã hội không nhiều. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã phải nới điều kiện để người dân dễ tiếp cận gói tín dụng hơn. Tuy vậy, đến giữa tháng 12, tức sau hơn 6 tháng triển khai, mới giải ngân được 1,8% (khoảng 555 tỷ đồng) gói tín dụng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các sự kiện kinh tế nổi bật năm 2013

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.