(HNM) - Chiều 28-3, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo
Theo báo cáo, khu vực Đông Á đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước đến nay với 36% dân số độ tuổi hơn 65 của thế giới (khoảng 211 triệu người) đang sống ở khu vực này và đến năm 2040, khu vực này sẽ có khoảng nửa tỷ người hơn 65 tuổi. Tất cả các nước đang phát triển trong khu vực sẽ chịu rủi ro già trước khi giàu. Một số nước sẽ bị giảm 15% lực lượng lao động từ nay tới năm 2040, trong đó Trung Quốc sẽ giảm hơn 90 triệu lao động. Tốc độ già hóa dân số nhanh trên quy mô lớn đang tạo ra thách thức về chính sách, áp lực kinh tế và tài khóa cũng như các rủi ro xã hội khác. Chi hưu trí trong khu vực sẽ tăng lên mức 8-10% GDP vào năm 2070; chi phí chữa bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh mạn tính khác sẽ chiếm 85% tổng chi phí khám chữa bệnh vào năm 2030. Nếu không cải cách, lớp người cao tuổi (NCT) sẽ ít được chăm sóc hơn. Tốc độ già hóa tại mỗi nước khác nhau và đòi hỏi những chính sách cứng rắn trên các lĩnh vực hưu trí, y tế, thị trường lao động…
Việt Nam không nằm ngoài xu thế này với tốc độ già hóa nhanh nhất trong khu vực và đã đạt tới điểm ngoặt trong quy mô dân số già vào năm 2015. Số NCT sẽ tăng lên hơn 18 triệu vào năm 2040, chiếm hơn 18% dân số. Điều này tạo ra áp lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động để duy trì tốc độ tăng trưởng. Báo cáo khuyến nghị, cần mở rộng hệ thống hưu trí để bao phủ phần lớn dân số và cải cách cơ chế nhằm đạt tới sự bền vững về tài chính; định hướng lại hệ thống y tế để chăm sóc tốt hơn dân số đang già hóa; tăng lực lượng lao động, kéo dài độ tuổi lao động của người dân thành thị, tăng cường sự tham gia lao động của nữ giới; phát triển các chính sách và tài chính công cho chăm sóc NCT…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.