Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các nhạc sĩ Việt Nam bức xúc với Thông tư mới của Bộ VHTT&DL

Hoàng Quyên| 13/04/2016 16:43

(HNMO) – Ngày 13/4, nhiều nhạc sĩ danh tiếng của làng âm nhạc Việt Nam như Phó Đức Phương, Nguyễn Tài Tuệ, Trương Ngọc Ninh, Doãn Nho… đã đồng loạt phản ứng về những bất cập trong thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).


Các nhạc sĩ lão thành của làng âm nhạc Việt Nam phản ứng Thông tư mới của Bộ VHTT&DL. 


* Thông tư sơ sài gây “bão” làng nhạc


Các nhạc sĩ lão thành, có tiếng của làng âm nhạc Việt Nam như Phó Đức Phương, Nguyễn Tài Tuệ, Trương Ngọc Ninh, Doãn Nho, Đoàn Bổng… cùng luật sư Đỗ Khắc Chiến (chuyên gia về lĩnh vực sở hữu trí tuệ) đã có mặt tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để họp Hội đồng tư vấn nêu ý kiến của mình về những khúc mắc trong thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL ban hành vào ngày 24/3/2016 hướng dẫn thực hiện NĐ15/2016/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2016 của Chính phủ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết, ngay khi NĐ15/2016/NĐ-CP ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 79/2012/NĐ-CP, giới nhạc sĩ đã rất hân hoan khi biết rằng, trong Nghị định (NĐ) mới đã nêu khá chi tiết về vấn đề thực thi tác quyền đối với các tác phẩm âm nhạc của các tác giả.

Cụ thể, tại Điều 9 của NĐ này nói về “Thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang” có quy định rõ thủ tục cấp phép đối với một chương trình biểu diễn phải có: “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Tuy nhiên, trong Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL hướng dẫn lại không cụ thể hóa việc này, thay vào đó là một Mẫu số 14: “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”.

Mẫu số 14 được hướng dẫn trong Thông tư không thể hiện sự hiện diện của các tác giả mà chủ yếu là cam kết đơn phương của đơn vị xin cấp phép


Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Mẫu số 14 được hướng dẫn trong Thông tư này lại chỉ đơn thuần là “Đơn cam kết” của đơn vị tổ chức biểu diễn với cơ quan quản lý cấp phép mà không có sự giao kèo, thỏa thuận với các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm nghệ thuật. Điều này là không đúng tinh thần với NĐ15/2016/NĐ-CP.

Luật sư Đỗ Khắc Chiến, chuyên gia về Sở hữu trí tuệ phân tích thêm: Thông tư hướng dẫn của Bộ VHTT&DL đã thể hiện nhiều sai lệch khi chỉ hướng dẫn một văn bản trong khi NĐ mới yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn khi xin phép phải có 1 trong 3 văn bản, đó là: văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả, hoặc bản sao hợp đồng, hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả… Cả 3 văn bản này đều phải có sự thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thì trong Thông tư hướng dẫn lại chỉ có “đại diện theo pháp luật của tổ chức thông báo” – tức là chỉ có lời hứa đơn phương của một tổ chức nào đấy mà tác giả không biết.

Nhạc sĩ Doãn Nho bày tỏ ý kiến


“Cam kết, thỏa thuận hay hợp đồng thì phải có ý kiến của hai bên, trong đó phải có sự đồng ý của tác giả, người chủ sở hữu của tác phẩm thì mới có giá trị. Nếu một văn bản cam kết chỉ là lời hứa suông của một đơn vị tổ chức thì tôi e rằng vấn đề bảo vệ tác quyền đối với các tác phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể có thể dẫn tới những hệ lụy khác mà chúng ta không ngờ được. Đơn vị biểu diễn đó sẽ mang tờ cam kết do mình soạn để tổ chức biểu diễn khắp nơi trong khi các tác giả vẫn phải chịu thiệt vì tác phẩm của mình bị dùng “chùa”, luật sư Đỗ Khắc Chiến khẳng định.

Đồng tình quan điểm này, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bày tỏ: “Thông tư mới cần phải thể hiện sự tôn trọng với các nhạc sĩ, dù là bằng hình thức văn bản nào thì cần phải nêu rõ nội dung cam kết giữa đơn vị tổ chức với các tác giả trong việc thực hiện quyền tác giả chứ không thể chỉ là một văn bản sơ sài mà ở đó chỉ có lời hứa của đơn vị biểu diễn mà không có sự hiện diện của tác giả”.

* Nghị định mới vẫn thiếu chặt chẽ, rõ ràng?

Nói về vấn đề tác quyền các tác phẩm âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bày tỏ: “Từ trước đến nay, chưa một ai, một đơn vị nào sử dụng tác phẩm của tôi mà xin phép trực tiếp. Điều đó cho thấy rằng, vấn đề bảo vệ quyền tác giả của chúng ta rất yếu. Trong khi chúng ta vẫn kêu gọi hội nhập, đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ mà ngay cả những quy định về việc thực hiện quyền tác giả, tác phẩm còn lỏng lẻo thì bảo sao các nhạc sĩ cứ mãi chịu thiệt thòi. Cục Nghệ thuật biểu diễn giữ vai trò cấp phép các chương trình biểu diễn nhưng lại không coi trọng các tác giả thì bảo sao mấy chục năm nay chúng tôi không phục, và luôn có những bất đồng”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho rằng, từ trước đến nay ông không được ai xin phép khi sử dụng tác phẩm của mình


Nhạc sĩ Vũ Mão cũng đồng tình: “Hiện nay các tác giả đã tuổi già, sức yếu không còn đủ sức khỏe, minh mẫn đi đòi tác quyền cho mình vì vậy chúng tôi đã ủy quyền cho VCPMC làm việc này. Nhưng nói thật là việc đi đòi này khó khăn lắm, chẳng phải đơn vị nào cũng chịu hợp tác và trả tiền tác quyền. Chúng tôi đã rất vui mừng khi NĐ mới đã thể hiện sự tôn trọng với các tác giả hơn khi yêu cầu đơn vị tổ chức phải thực hiện các nghĩa vụ trả tiền tác quyền. Nhưng niềm vui này lại không trọn vẹn khi thông tư hướng dẫn cụ thể lại “gạt” các tác giả ra”.

Hiện nay, các nhạc sĩ vẫn bày tỏ những bức xúc của mình với Thông tư mới này và cho rằng, Bộ VH,TT&DL đã vội vàng ban hành Thông tư nên để xảy ra tình trạng bất nhất nói trên. Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định, trước đó VCPMC đã có nhiều văn bản gửi Cục NTBD, Bộ VHTT&DL nói rõ những đề nghị của các nhạc sĩ về vấn đề quyền tác giả. Tới đây, với những bức xúc này, VCPMC và các nhạc sĩ sẽ tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới Phó Thủ tướng, Bộ VHTT&DL, Cục NTBD để tiếp tục làm rõ vấn đề.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn cứ vào mục b, khoản 1 điều 9 của NĐ15/2016/NĐ-CP về thủ tục cấp phép biểu diễn, đơn vị xin cấp phép phải có: “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Tuy nhiên, văn bản này lại thể hiện không rõ ràng ba loại văn bản nói trên khiến cho những người thực hiện có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc Thông tư hướng dẫn thiếu đầy đủ và các nhạc sĩ phản ứng gay gắt vì quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nhạc sĩ Việt Nam bức xúc với Thông tư mới của Bộ VHTT&DL

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.