(HNMO) - Tại buổi trả lời báo chí về thúc đẩy nghiên cứu vắc xin diễn ra tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ngày 26-11, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) cho biết, các nhà khoa học về vắc xin hàng đầu thế giới đến từ Đại học Bristol (Anh) đang phối hợp với Việt Nam nhằm hỗ trợ và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin thế hệ mới MultiBac. Trước mắt, công nghệ này sẽ được sử dụng để sản xuất vắc xin phòng cúm đại dịch (cúm A/H5N1) và vắc xin phòng bệnh dại.
Theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, với vắc xin truyền thống dựa trên quá trình phân lập chủng vi rút, các nhà khoa học sẽ phải nuôi cấy tế bào thận khỉ, trứng gà, nhưng công nghệ mang tính đột phá này cho phép sản xuất ra vắc xin mới với sản lượng lớn trên các tế bào côn trùng có thể dễ dàng nuôi cấy với chi phí thấp. Với công nghệ mới này, thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc xin được rút ngắn xuống còn khoảng 3 năm, thay vì 5-10 năm như trước đây. Hiện nay, công nghệ này đã được triển khai tại 20 quốc gia trên thế giới.
Cũng theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, nếu xảy ra dịch cúm, chúng ta phải đạt mục tiêu sản xuất vắc xin nhanh nhất, số lượng lớn nhất và giá thành thấp nhất, công nghệ mới sẽ đáp ứng được các tiêu chí này. Ngoài ra, Việt Nam đã chấm dứt sản xuất vắc xin phòng bệnh dại theo công nghệ cũ. Hiện 100% vắc xin phòng bệnh dại đều phải nhập khẩu với giá thành khá cao. Do đó, nếu Việt Nam chủ động trong việc sản xuất vắc xin dại bằng công nghệ mới này, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng vắc xin chất lượng tốt với giá rẻ.
Giáo sư Imre Berger, Giám đốc Trung tâm Vi Sinh vật học Max Planck (Đại học Bristol) cũng cho rằng, các nước đang phát triển như Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất được vắc xin đáp ứng nhu cầu trong nước, điều này trước đây bị cản trở là do khó khăn trong việc tiếp cận với công nghệ tiên tiến về vắc xin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.