Các nhà khoa học Anh giúp Việt Nam sản xuất vắc xin phòng cúm gia cầm
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:15, 26/11/2019
Theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, với vắc xin truyền thống dựa trên quá trình phân lập chủng vi rút, các nhà khoa học sẽ phải nuôi cấy tế bào thận khỉ, trứng gà, nhưng công nghệ mang tính đột phá này cho phép sản xuất ra vắc xin mới với sản lượng lớn trên các tế bào côn trùng có thể dễ dàng nuôi cấy với chi phí thấp. Với công nghệ mới này, thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc xin được rút ngắn xuống còn khoảng 3 năm, thay vì 5-10 năm như trước đây. Hiện nay, công nghệ này đã được triển khai tại 20 quốc gia trên thế giới.
Cũng theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, nếu xảy ra dịch cúm, chúng ta phải đạt mục tiêu sản xuất vắc xin nhanh nhất, số lượng lớn nhất và giá thành thấp nhất, công nghệ mới sẽ đáp ứng được các tiêu chí này. Ngoài ra, Việt Nam đã chấm dứt sản xuất vắc xin phòng bệnh dại theo công nghệ cũ. Hiện 100% vắc xin phòng bệnh dại đều phải nhập khẩu với giá thành khá cao. Do đó, nếu Việt Nam chủ động trong việc sản xuất vắc xin dại bằng công nghệ mới này, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng vắc xin chất lượng tốt với giá rẻ.
Giáo sư Imre Berger, Giám đốc Trung tâm Vi Sinh vật học Max Planck (Đại học Bristol) cũng cho rằng, các nước đang phát triển như Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất được vắc xin đáp ứng nhu cầu trong nước, điều này trước đây bị cản trở là do khó khăn trong việc tiếp cận với công nghệ tiên tiến về vắc xin.