Tuy có nhiều lợi thế giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, song các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới đang gặp không ít khó khăn.
Gỡ rào cản để gia tăng xuất khẩu qua thương mại điện tử đang là vấn đề được đặt ra với các bộ, ngành và mỗi doanh nghiệp.
Khó khăn từ ngôn ngữ tới kỹ năng marketing
Những năm qua thương mại điện tử xuyên biên giới được ứng dụng ngày càng rộng rãi tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Thương mại điện tử xuyên biên giới đã góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa với giá trị ước đạt hơn 80.000 tỷ đồng năm 2022.
Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Amazon cho hay, trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31-8, 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới. Đáng chú ý, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%...
Còn thống kê của nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trên Alibaba đã tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương đã xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com từ tháng 9-2015, với giá trị xuất khẩu ngày càng tăng.
“Thay vì tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tốn nhiều thời gian và chi phí, thương mại điện tử giúp chúng tôi tiếp cận khách hàng thế giới nhanh hơn. Khách hàng mua sản phẩm của chúng tôi đến từ mọi quốc gia”, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương Hoàng Thị Thanh Tâm nói.
Tuy đem lại lợi thế tích cực, song thực tế còn không ít doanh nghiệp chưa thể tiếp cận kênh xuất khẩu hiệu quả này do gặp nhiều trở ngại. Theo Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam Nguyễn Thị Phương Uyên, khi tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ, thiếu kỹ năng marketing cũng như việc sử dụng công cụ tiếp thị trên sàn và những hiểu biết về các quy tắc hoạt động của thương mại số. Ngoài ra, khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam còn ở khâu logistics.
“Việc không bảo đảm thời gian, tiến độ giao hàng dẫn đến giao dịch bị ảnh hưởng, doanh nghiệp mất cơ hội giao thương và xa hơn là mất bạn hàng”, bà Phương Uyên chỉ rõ.
Nêu thực tế từ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thanh Tâm dẫn ra một loạt khó khăn liên quan tới niềm tin với khách hàng; việc thanh toán và bảo mật thông tin; những khó khăn về logistics và chuỗi cung ứng… Ngoài ra, xuất khẩu trực tuyến còn đối mặt những quy định khắt khe của các thị trường về sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải carbon… buộc doanh nghiệp phải tuân thủ.
Phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam được đánh giá đứng tốp 3 khu vực Đông Nam Á và dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu trực tuyến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027. Vấn đề là cần tháo gỡ những rào cản hiện có để phát huy lợi thế.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Thành Dương cho hay, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử. Các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba.com, TikTok, Amazon.com, Lazada, Tiki, Foodmap, Postmart, Voso, Shopee, Sendo,… thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Đặc biệt, Bộ đang phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba.com, xây dựng và phát triển “Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion”. Theo kế hoạch, “Gian hàng quốc gia Việt Nam” sẽ tập hợp 100 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia, dự kiến ra mắt vào tháng 12-2023”, ông Nguyễn Thành Dương thông tin.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Alibaba.com tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam tổ chức xúc tiến thương mại đến hơn 200 quốc gia. Còn Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, sẽ thúc đẩy kết nối các nhà bán hàng với các nhà sản xuất trong nhiều ngành hàng, để mở rộng danh mục sản phẩm Việt Nam; tăng cường đào tạo nhà bán hàng, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu...
Thời gian tới, Bộ Công Thương và các sàn thương mại điện tử sẽ phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; đa dạng hóa việc phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; tiếp tục hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp…
Theo các chuyên gia thương mại, các doanh nghiệp cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để tạo lòng tin với khách hàng, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.