Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các doanh nghiệp ngành thép: Đối mặt nhiều khó khăn

Thanh Mai| 29/06/2013 07:53

(HNM) - Thị trường trầm lắng, tồn kho cao, sức ép cạnh tranh về giá bán và hàng ngoại nhập lấn át cũng như thiếu vốn hoạt động... là những nguyên nhân khiến DN ngành thép trong nước càng thêm khó khăn.

Cạnh tranh yếu

Theo Bộ Xây dựng, lượng thép sản xuất của toàn ngành trong thời gian qua giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay lượng thép tồn kho khoảng 330.000-350.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với cùng kỳ. Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, thép nhập khẩu đến nay đạt 800.000 tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn còn khá cao so với sản lượng thép và tiêu thụ trong nước.

Ngành thép đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Việt Hưng



Một số DN ngành thép cho biết, việc một lượng thép hợp kim lớn của Trung Quốc nhập vào Việt Nam được hưởng thuế suất 0% như thép xây dựng, bán với giá thấp hơn thép cùng loại đã gây sức ép lớn đối với DN trong nước. DN Trung Quốc thường có lượng thép dư thừa rất lớn, sẵn sàng tràn vào Việt Nam với giá rẻ và chỉ yêu cầu bên mua ký quỹ 10%-30% là cho nhập khẩu trả chậm. Trong khi đó, đến thời điểm này, các DN thép vẫn chưa tiếp cận được nguồn lãi suất thấp cũng như chưa có tác động cải thiện nhu cầu tiêu thụ do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, gần như không có dự án triển khai mới, kể cả sau khi có thông tin về gói cho vay ưu đãi với các dự án nhà ở xã hội. Trước tình hình này, nhiều DN đã tung ra chiến lược giảm giá bán để cạnh tranh. Chỉ riêng trong tháng 5, hàng loạt DN giảm giá bán tới 3 lần, xuống thấp hơn giá vốn nhưng tiêu thụ vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức do một số nước Châu Mỹ, Châu Âu áp dụng thuế chống phá giá với thép xuất khẩu của Việt Nam; nhiều nước ban hành thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian nhằm hạn chế nhập khẩu với mục tiêu bảo hộ DN nội địa.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), khó khăn và yếu kém nhất của ngành thép hiện nay là nguồn vốn hạn chế, chủ yếu đi vay, nguồn nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu phôi, công nghệ sản xuất lạc hậu, chi phí sản xuất tăng cao… đã dẫn đến sức cạnh tranh yếu.

Cần loại bỏ công nghệ lạc hậu

Theo số liệu thống kê, hiện có gần 30% DN ngành thép sử dụng công nghệ lạc hậu, hơn 40% sử dụng công nghệ ở mức trung bình. Chỉ khoảng 30% sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại. Do vậy, để tồn tại, các DN cần có phương án loại dần những công nghệ lạc hậu bởi giá năng lượng ngày càng tăng cao, tiết kiệm chi phí và tăng tính cạnh tranh. Đây là những giải pháp thiết thực trong hiện tại cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, cần tăng năng lực đầu tư sản xuất phôi thép để tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Về tài chính, mặc dù lãi suất đầu vào có mức trần đang dần hạ xuống nhưng việc tiếp cận vốn khó khăn đã khiến cho hoạt động kinh doanh của nhiều DN ngành thép đình trệ, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Khảo sát mới nhất cho thấy, chỉ 20% DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn tín dụng chính thống.

Theo VSA, ngoài các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành như giảm lãi suất, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh... các DN phải giảm chi phí một cách tối đa, không sản xuất tràn lan để tồn kho nhiều và phải cân đối cung cầu hợp lý. Mặt khác, DN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, lập kế hoạch linh hoạt từng tháng, quý phù hợp với thị trường; tập trung quản lý đầu ra sản phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối; tăng cường quảng bá thương hiệu, xây dựng chính sách giá cả thị trường linh hoạt, minh bạch...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các doanh nghiệp ngành thép: Đối mặt nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.