(HNM) - Tính đến ngày 27-11, trong 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có 1 địa phương vùng đỏ, 5 địa phương vùng cam, 5 địa phương vùng vàng và 2 địa phương dù chưa công bố cấp độ dịch mới nhưng không phải là vùng xanh. Trước tình hình dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, các cấp, ngành, địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó tăng cường điều trị bệnh nhân Covid-19 (F0) tại cơ sở để giảm tải cho các bệnh viện.
Hệ thống y tế quá tải
Ngày 26-11, thành phố Cần Thơ - thủ phủ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận 897 ca nhiễm Covid-19 mới, cao thứ hai cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Với hơn 22.000 ca Covid-19 được ghi nhận, thành phố có gần 1,3 triệu dân này đang có dấu hiệu quá tải cơ sở cách ly, điều trị Covid-19.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, địa phương đang là vùng đỏ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là tỉnh Vĩnh Long có 8.869 ca F0. Đáng chú ý, số ca tử vong do Covid-19 tại Vĩnh Long đã là 77 người. “Riêng ngày 23-11, tỉnh ghi nhận 505 ca F0 mới, tăng gần 70% so với trung bình 10 ngày trước đó. Đến ngày 26-11, số ca nhiễm còn cao hơn, với 536 ca…”, Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng cho biết.
Trong nhóm 10 địa phương có số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất cả nước ngày 26-11 thì có tới 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, khó khăn hiện nay là số ca mắc tăng nhanh trong cộng đồng sẽ gây quá tải cho các tầng điều trị.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 2 địa phương có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 trên 65 tuổi tử vong cao so với cả nước là Long An (2,4%), Tiền Giang (2%).
Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở
Thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng tăng cường điều trị F0 tại tuyến cơ sở để giảm tải cho hệ thống y tế, giúp các bệnh viện tập trung điều trị bệnh nhân nặng.
Ngày 26-11, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã chuyển mô hình 3 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 thành 2 tầng, gồm tăng cường điều trị F0 tại nhà dưới sự quản lý của các trạm y tế xã, phường và củng cố cơ sở điều trị tuyến trên. Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ Cao Hoàng Anh cho biết: “Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi và trẻ 12-17 tuổi. Cùng với đó, tăng cường nhân lực y tế địa phương để quản lý hơn 7.700 ca F0 điều trị tại nhà”.
Tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 24-11, tỉnh đã kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 7 tại thành phố Vĩnh Long, với quy mô 1.000 giường. Như vậy, toàn tỉnh đã có 7 bệnh viện dã chiến với gần 4.000 giường. Ngoài ra, Vĩnh Long cũng đang tích cực triển khai cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà.
Việc cách ly F1, điều trị F0 tại nhà còn được nhiều tỉnh trong khu vực, như: Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang… thực hiện. Trong đó, An Giang là địa phương đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thí điểm điều trị F0 tại nhà, đạt kết quả bước đầu tích cực.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền, kết quả điều trị tại nhà có 90% trường hợp khỏi bệnh, 10% F0 tăng nặng, nhưng được điều trị kịp thời nên nhanh bình phục. Hiện mô hình này đã được áp dụng trong toàn tỉnh. Còn Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Đỗ Thiện Tùng thông tin, Sở vừa thành lập Câu lạc bộ Thầy thuốc tư vấn và Câu lạc bộ Thầy thuốc vì cộng đồng tỉnh Kiên Giang để hỗ trợ, tư vấn trực tuyến cho các nhân viên y tế cộng đồng tuyến huyện về chăm sóc, điều trị F0, vừa giúp giảm tải cho hệ thống y tế, vừa giúp bệnh nhân yên tâm, chủ động điều trị…
Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch Covid-19 tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp vì độ phủ vắc xin chưa cao, hệ thống y tế yếu. Bộ đã có kế hoạch phân bổ thêm 4 triệu liều vắc xin và tăng cường nhân lực, vật lực y tế cho vùng này. Trong buổi làm việc mới đây với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo kích hoạt mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" để thăm khám F0 qua mạng kết hợp với chăm sóc y tế tại chỗ, giảm tải cho hệ thống y tế, góp phần không để dịch lây lan nhanh vượt khả năng điều trị của ngành Y tế.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.