Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022 truyền cảm hứng và tình yêu nghiên cứu khoa học

Thu Hằng| 21/12/2022 15:55

(HNMO) - Sáng 21-12, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội) đã diễn ra buổi giao lưu với khán giả mang tên Talk Future. Tại đây, các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022 đã chia sẻ những câu chuyện đằng sau từng công trình được giải. Đây là hoạt động cuối cùng trong chuỗi sự kiện thuộc Tuần lễ Khoa học VinFuture lần thứ hai.

Chủ nhân của Giải đặc biệt VinFuture 2022 dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” Giáo sư Thalappil Pradeep (Ấn Độ) chia sẻ tình yêu với môn Hóa học.

Được tổ chức ngay sau đêm công bố giải thưởng, buổi giao lưu có ý nghĩa truyền cảm hứng đặc biệt tới công chúng khi các chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 chia sẻ về cuộc đời, động lực cũng như hành trình nghiên cứu để tạo nên những phát minh đoạt giải.

Chủ nhân của Giải đặc biệt VinFuture 2022 dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” - Giáo sư Thalappil Pradeep (Ấn Độ) chia sẻ tình yêu với môn Hóa học. Sinh trưởng ở một làng quê nghèo, yêu thích văn thơ nhưng ông lại theo đuổi môn Hóa học vì “nó mang lại bánh mì mà cũng khá gần với thơ. Cũng là màu sắc mùi vị, và cũng lãng mạn như thơ ca”.

Những năm 2000, khi trở thành giảng viên đại học, ông bắt đầu suy nghĩ: Hóa học giúp gì cho người dân Ấn Độ? “Thời điểm đó, chúng tôi được nói rằng: Trong nước nhiễm thuốc trừ sâu, cao gấp 20-30 lần chuẩn. Phải làm gì để giải quyết vấn đề này? Tôi tự hào vì sao không sử dụng hệ thống nano giải quyết. Từ đó tôi mày mò tìm hiểu” - Giáo sư Thalappil Pradeep chia sẻ.

Rồi ông lại suy nghĩ: Nước trên toàn cầu khối lượng không đổi. Nước là giới hạn và không có một giọt nước nào bên ngoài vũ trụ tiếp cận được Trái đất để tăng thêm nguồn cung nước. Vậy ta buộc phải sử dụng nguồn nước hạn chế ấy. Làm sao sử dụng xong sẽ quay lại, dù là nước sử dụng trong xây dựng, sinh hoạt? Làm sao tạo ra giải pháp mới để hạn chế chất bẩn sau mỗi lần sử dụng?... Từ những suy nghĩ đó dẫn đến đam mê. Việc nghiên cứu thành công hệ thống lọc nước nhiễm asen và kim loại nặng chi phí thấp, góp phần mang lại nguồn nước sạch cho hàng trăm triệu người sinh sống tại các khu vực có nguồn nước ô nhiễm trên thế giới đã mang lại vinh quang cho Giáo sư Thalappil Pradeep. 

Các chủ nhân của Giải thưởng chính VinFuture 2022 chia sẻ tại buổi giao lưu.

Sinh viên đặt câu hỏi cho các nhà khoa học.

Là tác giả của những giống lúa ứng dụng công nghệ gene có khả năng sinh tồn đến hai tuần khi bị ngập nước thay vì chỉ ba ngày như những giống lúa cũ, Giáo sư Pamela Christine Ronald đến từ Viện nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp, Đại học California Davis (Mỹ) – chủ nhân của Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho “Nhà khoa học nữ”, chia sẻ về lý do bà và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế đã mất nhiều năm để nghiên cứu tìm ra những giống lúa mới. Bà nói: “Cha tôi là dân tị nạn. Ông là người không có quốc tịch trong 12 năm. Trong Thế chiến thứ 2, ông phải chạy trốn nhiều nơi và tới Mỹ. Chúng tôi có cuộc sống khiêm nhường thôi nhưng cha tôi luôn nhắc là chúng tôi phải quan tâm, giúp đỡ mọi người. Đó là cảm hứng giúp tôi tìm thấy tình yêu với khoa học cây cỏ, thiên nhiên. Tôi đã kết hợp các đam mê với nhau và cùng nhiều các nhà khoa học khác nghiên cứu để tạo ra giống lúa mang lại lợi ích cho người dân”.

Các nhà khoa học đã không chỉ chia sẻ về những nghiên cứu của mình mà còn truyền cảm hứng cho giới trẻ. Tiến sĩ Emmanuel Desurvire, một trong những chủ nhân của Giải thưởng chính VinFuture 2022 có bằng lái máy bay. Ông đưa ra lời khuyên: Lái máy bay và học hỏi giống nhau, cùng phải thử nghiệm nhiều tìm hiểu về nguyên tắc vật lý phía sau, nó thông minh như thế nào. Nhiều người nói đùa: Không gì nặng hơn một chiếc máy bay có thể bay trong không khí. Nếu ta có thể tạo ra cái gì nhẹ hơn không khí để bay thì sai về nguyên tắc vật lý. Đó là định kiến về khoa học. Trong nghiên cứu ta phải duy trì cả hai, cả ước mơ thay đổi và thứ nghĩ là không thể. 

Quang cảnh buổi giao lưu.

Trước câu hỏi: “Một trong phẩm chất quan trọng nhất của người nghiên cứu là trí tò mò. Làm sao để phát triển trí tò mò và giữ ngọn lửa đam mê?”, Tiến sĩ Emmanuel Desurvire cho rằng, hãy quan tâm tới những điều không thuộc cả chuyên ngành của mình, để trí tưởng tượng tự do, từ đó soi chiếu lại, hỗ trợ chính chuyên ngành của mình. Tò mò và ước mơ nhưng không xa rời thực tế. Còn theo kinh nghiệm của Giáo sư Sir. David Neil Payne, bản chất của tuổi trẻ là tò mò và hiếu học rồi. Nhiệm vụ của “người lớn” là khuyến khích thay vì dập tắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022 truyền cảm hứng và tình yêu nghiên cứu khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.