Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Các bạn tôi ở trên ấy”

Hoàng Định| 19/10/2013 07:17

(HNM) - Dường như sau chiến tranh, Nguyên Ngọc thành danh với thể loại ký hơn là tiểu thuyết. Ở tuổi ngoại tám mươi, ông tập hợp 24 bài về Tây Nguyên trong tập bút ký



Mỗi nhà văn thường có một "vùng đất yêu" của mình. Với Nguyên Ngọc, đó là Tây Nguyên. Một "Đất nước đứng lên" sừng sững thời trẻ, đến đây đã được đẩy đến tận cùng, là nhờ ở sự cực đoan (của người khu Năm?), những trải nghiệm, so sánh với sự đời trăm phương. Ông có cách nhìn khác về vùng đất này, khiến nhiều kiểu nghĩ thông thường đặt bên cạnh hóa thành "thực dân", chí ít cũng là "dân tộc lớn". Những ai mang cảm quan về cộng đồng cà răng căng tai lạc hậu, dị hợm, di trú, nghèo túng đến đáng thương và cần được cải tạo cho văn minh, tiến bộ hơn, đọc sách sẽ phải điều chỉnh lại. Tả, kể, phân tích, giải thích… ngần ấy kỹ năng có lẽ không thuyết phục bằng cách ông mê man dẫn dụ ta nếm trải, sống cùng những con người yêu khu rừng, buôn làng của mình, thấy mỗi gốc cây, ngọn suối đều có hồn. Nhiều nhân vật của ông đã từng được ăn học, "thuần hóa" như Núp, H'Ben… rồi cũng trở về cội rễ bí ẩn. Bên cạnh những "tháng Ninh Nông", "Dậy tiếng cho chiêng", cái chết cũng là một đối tượng, cho thấy Nguyên Ngọc đã sống hẳn trong Tây Nguyên chứ không phải "làm món nhúng" như nhiều nhà văn viết về các vùng đất xa xôi.

Nhưng "sống" ở đây không có nghĩa là chìm đắm. Nguyên Ngọc có sự tỉnh táo của kiến thức khoa học, một tầm nhìn có lẽ gần với định nghĩa "Văn hóa là sự khác biệt". Ông nghiền ngẫm, kính phục các học giả Tây phương như Condominas, Dournes, dù họ có xuất xứ từ đâu, để rồi sàng lọc, có cái cảm nhận "phi thực dân". Có được sự liên hệ giữa con nước ở Cà Mau với những suối, khe trên đại ngàn là phải quán xuyến bao sở học chắc chắn, tưởng tượng không gian đến mênh mông. Tây Nguyên mong manh như nghệ thuật, nhận thấy điều ấy thì thể nào cũng dị ứng với những "nhà rông văn hóa", lối tiếp cận kiểu bề trên ban phát. Và thế là những câu văn đổ ra. "Cho người ta một cái nhà rông là cho một cái không thể cho". "Tôi thậm chí còn tin rằng hẳn xưa kia tất cả chúng ta đều là vậy, từng có được sự níu kéo ấy làm nội dung cuộc sống trên đời của mình, từng biết đến sâu xa trong chi li huyết quản của mình cuộc níu kéo tuyệt vời giữa một bên là rừng, tự nhiên, một bên là xã hội, văn hóa, từng được chông chênh trên cái thế chông chênh tuyệt diệu ấy… cho đến khi chúng ta đánh mất cái thế chông chênh đó, để chỉ còn vững chắc thô lỗ một bề xã hội, văn hóa trơ, xã hội và văn hóa không còn tự nhiên, không còn rừng. Ngày càng xa trên con đường đến mòn mỏi, khô cằn…". Không phải văn nữa. Hồn cốt xương tủy rồi. Đọc chúng, ta phải nghĩ lại thế nào là hạnh phúc. Những con người lâu lâu bỏ buôn vào rừng ở hay chúng ta, giữa khói xăng, bê tông, chen chúc tham vọng thực dụng, ai mới đáng thương? Giữa các bạn của Nguyên Ngọc với những ai coi thường một nền tảng văn hóa nghìn đời, muốn thay bằng văn minh, tiện nghi trước mắt, thì ai "trên" ai là "dưới"?

Những câu hỏi ấy tối quan trọng, nhưng không dễ "nghe" thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Các bạn tôi ở trên ấy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.