Cư dân mạng Việt Nam đang "sôi sục" khi nhiều ca sĩ Campuchia bị phát hiện “đạo nhạc” của ca sĩ Việt. Thực chất những vụ việc như thế này không phải mới xảy ra.
Những bản “hit” đình đám của nhạc Việt từ vài năm trước như Cầu vồng sau mưa, Cầu vồng khuyết, Vầng trăng khóc, Con đường mưa, Một vòng trái đất… đều đã sớm có phiên bản tiếng Campuchia.
Trên các diễn đàn mạng của Campuchia, tự các cư dân mạng nước này cũng đã phát hiện ra sự giống nhau tới mức không tin nổi giữa những bản hit Việt và Campuchia. Ngoài việc so sánh xem MV nào được dàn dựng công phu, đẹp mắt hơn, ca sĩ nào thể hiện hấp dẫn hơn, những cư dân mạng có ý thức về vấn đề bản quyền cũng đưa ra nhiều nhận xét thấu tình đạt lý.
Người dùng có tên KK Bachelor trên trang Khmer Connection chia sẻ: “Tôi luôn tự hỏi những bài hát Khmer hiện đại, mới mẻ này đến từ đâu bởi chúng hầu như không mang chất Khmer trong đó. Giờ thì tôi đã có được câu trả lời”.
Tài khoản Musa cũng trên trang Khmer Connection tỏ ra khá bất bình: “Vấn đề của nhạc Campuchia hôm nay bắt nguồn từ việc các ca sĩ trẻ quá dễ dãi trong việc cover lại bản hit của nước ngoài. Khi về tới Campuchia, người nghe lại tôn vinh, cho rằng các ca sĩ này tài năng, sáng tạo.
Nhiều bản “cover” thực chất không thể coi là “cover”. Có thể gọi là “cover” không khi ca sĩ không tôn trọng tác phẩm gốc? Chỉ có thể gọi đó là “đạo nhạc”. Họ đánh cắp ca khúc về, tự viết lại lời và điềm nhiên biểu diễn như thể đó là tác phẩm của mình.”
Nữ ca sĩ Tep Boprek “đạo” ca khúc “Cho một tình yêu” của ca sĩ Mỹ Tâm. |
Trên trang Khmer Bird, một nữ y tá Campuchia đã có một bài viết khá đanh thép về việc “đạo nhạc”. Bài viết có đoạn: “Trong khoảng một thập kỷ qua, nền văn hóa của chúng ta không ngừng phát triển và thị trường giải trí cũng ngày một mở rộng. Nhưng thật xấu hổ khi cả Châu Á biết rằng một bộ phận không nhỏ những tác phẩm trong dòng nhạc trẻ của Campuchia hiện nay là những tác phẩm đi “đạo” về. Thật xấu hổ khi người Campuchia vào các diễn đàn mạng Châu Á và thấy những chủ đề đề cập tới chuyện này.
Những ca sĩ, nhạc sĩ nổi lên nhờ những tác phẩm “đạo” là những kẻ thất bại. Hãy dừng ngay hành động “đạo nhạc” từ các nước khác nếu không muốn là một kẻ bán rẻ lương tâm nghề nghiệp vì lợi nhuận.”
Tuy vậy, cũng có những ý kiến biện bạch khá “ngoan cố”. Một tài khoản có tên Nevergone trên trang Asia Finest bào chữa: “Chính người Việt cũng biết rằng ca sĩ nước mình cover rất nhiều bản hit của Hong Kong và Hàn Quốc kia mà”.
Những ca sĩ Campuchia thực hiện hành vi “đạo nhạc” không chỉ là những ca sĩ ít nổi tiếng hoặc mới bước chân vào nghề. Một trường hợp điển hình là nữ ca sĩ Tep Boprek “đạo” ca khúc “Cho một tình yêu” của ca sĩ Mỹ Tâm.
Boprek là một trong những ca sĩ trẻ nổi tiếng nhất tại Campuchia hiện nay. Sinh năm 1993, giọng ca trẻ 20 tuổi sở hữu một sự nghiệp âm nhạc thành công. Hiện cô đang là ca sĩ độc quyền của một công ty sản xuất âm nhạc lớn tại Campuchia.
Ngoài ra, cô còn được xem là ca sĩ có khả năng vũ đạo hàng đầu tại Campuchia. Tep Boprek là gương mặt được nhiều khán giả trẻ tại Campuchia yêu thích. Dù có danh tiếng như vậy nhưng Boprek không ngại “đạo nhạc” nếu đó là một nhạc phẩm hứa hẹn sẽ làm khuynh đảo giới trẻ nước nhà.
Nữ ca sĩ Campuchia - Tep Boprek có lẽ rành về nhạc Việt không kém một người trẻ nào tại Việt Nam. Những bản hit đình đám nhất nhanh chóng được cô cập nhật và có biện pháp “xử lý”. “Vẫn mãi yêu anh” - ca khúc “hot” của Thủy Tiên năm 2011 cũng bị Tep Boprek “xào nấu”.
Không chỉ dừng lại ở nhái giai điệu, có ca sĩ Campuchia còn nhái cả vũ đạo, như ca khúc “Get on the floor” của nhóm 365 đã bị ca sĩ Chorn Sovanreach nhái lại “triệt để”. Điều đáng nói, Sovanreach cũng là một ca sĩ có tiếng tăm và được giới trẻ Campuchia yêu mến.
Còn rất nhiều những trường hợp “đạo nhạc”, “đạo lời”, “đạo vũ đạo” khác có thể kể ra. Nhưng theo nhận định của một nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí Việt, sự việc này chưa hẳn là một câu chuyện bực mình bởi nếu nhìn nhận theo một khía cạnh tích cực hơn, thậm chí nó còn là một tín hiệu vui.
Trước đây, nhiều ca sĩ trẻ Việt Nam từng lao đao, điêu đứng vì “đạo nhạc” nhưng giờ đây thị trường nhạc Việt đã bước qua giai đoạn “bèo nhèo” đó. Những ca “đạo nhạc” hầu như chỉ đến từ những ca sĩ không chuyên hoặc mới nổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.