(HNMO) - Từ đầu năm đến nay, cả nước có 135.538ha diện tích lúa bị nhiễm dịch hại, trong đó rầy nâu hại lúa là 25.458ha, tăng 6.571ha so với kỳ trước, nhiễm nặng 1.264ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam...
Nông dân kiểm tra sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ (nguồn internet) |
Bệnh đạo ôn hại lá bị nhiễm 12.177ha, giảm 8.209ha so với kỳ trước, giảm 2.555ha so với cùng kỳ năm trước, nhiễm nặng 134ha, chủ yếu ở tỉnh phía Nam. Bệnh bạc lá, diện tích bị nhiễm 12.814ha, tăng 1.031ha so với kỳ trước, nặng 8ha, chủ yếu tại các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Bình Thuận. Ốc bươu vàng, diện tích bị hại 29.255ha, tăng 16.270ha so với kỳ trước, tăng 23.947ha so với cùng kỳ năm trước…
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Hiện nay, điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ thuận lợi cho nấm bệnh và vi khuẩn phát triển, gây hại trên trà lúa, nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm vết bệnh để phòng trừ. Người dân nên tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" khi phun thuốc cho lúa, gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc, đúng cách, cần lưu ý một số đối tượng khác như sâu cuốn lá, thối thân vi khuẩn, đốm vằn… Đặc biệt, mưa nhiều gây ngập ở các địa phương là điều kiện thuận lợi để ốc bươu vàng di chuyển theo dòng nước lan rộng từ vùng trũng thấp đến vùng cao.
Dự báo thời gian tới, những chân ruộng trũng, mật độ ốc phổ biến ở mức từ 2 đến 4 con/m2, nơi cao từ 5 đến 8 con/m2, cục bộ có nơi lên từ 10 đến 15 con/m2. Để diệt trừ ốc bươu vàng bảo vệ lúa xuân non mới cấy, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo đến Trạm bảo vệ thực vật các huyện phân công cán bộ bám sát cơ sở để điều tra, khảo sát, dự báo tình hình ốc gây hại trên lúa non; đồng thời, hướng dẫn nông dân thực hiện ngay một số biện pháp để hạn chế sự gây hại của ốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.