Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buông lỏng quản lý hay thiếu trách nhiệm?

Bài, ảnh: Thúy Nga| 18/03/2015 06:30

(HNM) - Tình trạng lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp diễn ra ở xã Đông Quang (Ba Vì) kéo dài nhiều năm, nhưng việc xử lý không khác gì


Mục sở thị tại thôn Cao Cương, xã Đông Quang, trên những mảnh đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, nhiều người dân tự ý phân lô, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình nhà ở. Đặc biệt, có công trình xây dựng một tầng, hai tầng trái phép khá kiên cố đang trong giai đoạn hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Chủ tịch UBND xã Đông Quang Nguyễn Minh Thiện cho biết, trước năm 2000, sau khi xóa lò gạch thủ công, do nhu cầu đất sản xuất, chính quyền địa phương đã giao khu đất ở thôn Cao Cương cho 20 hộ dân cải tạo, sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Quá trình sử dụng, một số hộ tự ý chuyển đổi mục đích, làm lều lán nhưng chính quyền địa phương không ngăn chặn kịp thời, dẫn đến người này làm được, người khác làm theo. Qua rà soát, phân loại có khoảng 20 trường hợp vi phạm, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chủ yếu trong giai đoạn 2007 - 2009, trong đó có 3 hộ xây dựng nhà kiên cố, 12 trường hợp xây dựng lều lán, nhà cấp bốn, 4 trường hợp đổ đất trồng cây. Trong năm 2014, trên địa bàn phát sinh thêm 2 vụ vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn xảy ra 1 trường hợp vi phạm đất đai tại thôn Đông Viên.

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại thôn Cao Cương (xã Đông Quang).


Để xảy ra vi phạm đất đai trên địa bàn xã có nguyên nhân khách quan. Nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân địa phương, năm 2008, xã Đông Quang đã quy hoạch và lập danh sách các hộ đề nghị cấp đất giãn dân. Thời điểm đó, trên địa bàn xã có 2 vị trí có thể bố trí thực hiện giãn dân. Vị trí thứ nhất, trước đây là khu sản xuất gạch thủ công tại thôn Cao Cương, hiện đã cấp đất giãn dân cho 15 hộ, mỗi hộ 200m2 và các hộ này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm nhà ở, sinh sống ổn định. Vị trí thứ hai, ven quốc lộ 32, song do không nằm trong quy hoạch, nên không được phép bố trí làm nơi giãn dân. Sau nhiều năm chờ đợi nhưng chưa được xét duyệt, một số hộ thuộc đối tượng nằm trong danh sách xét cấp giãn dân ven quốc lộ 32 đã nhận chuyển nhượng hoặc lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực trước đây sản xuất gạch thủ công ở thôn Cao Cương.

Theo ông Nguyễn Xuân Thuân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đông Quang, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, năm 2012, xã Đông Quang đã hoàn thiện thủ tục đề nghị huyện Ba Vì phê duyệt cấp đất giãn dân cho các đối tượng có nhu cầu, song do năng lực chuyên môn cán bộ xã yếu kém nên việc này chưa thực hiện được. "Không riêng xã Đông Quang, mà nhiều xã trên địa bàn huyện Ba Vì, đất đai sinh lời kém, một số vị trí nằm trong quy hoạch tổ chức đấu giá, người có tiền không tham gia đấu giá, còn người có nhu cầu về nhà ở thì không có tiền, họ mong đợi vào chính sách cấp đất giãn dân để có nơi làm nhà ở. Do vậy, xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, huyện Ba Vì cần xem xét giải quyết nơi ở cho người dân xã Đông Quang" - ông Nguyễn Xuân Thuân đề nghị.

Làm việc với các bên liên quan, chúng tôi nhận thấy, UBND xã Đông Quang đã tiến hành nhiều biện pháp như phân công cán bộ theo dõi, xử lý vi phạm từ khi mới phát sinh; nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử phạt hành chính, tạm đình chỉ công trình xây dựng và yêu cầu khôi phục, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng không hiệu quả. Lợi dụng sự sơ hở của chính quyền địa phương, các hộ dân tổ chức xây dựng công trình trên đất nông nghiệp vào ban đêm, ngày lễ, chủ nhật. Việc thi công xây dựng có hệ thống, tổ chức, bằng phương tiện, máy móc hiện đại, nhiều thửa đất chỉ sau một đêm đã xong trụ móng, tường nhà kiên cố vững chắc, khiến chính quyền địa phương không kịp trở tay. Hiện có hộ gia đình xây dựng nhà ở kiên cố, giá trị hàng trăm triệu đồng, vượt quá thẩm quyền xử lý của chính quyền cấp xã.

Bất luận lý do gì, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, không ngăn chặn kịp thời, tạo tiền lệ xấu cho xã hội. Đề nghị huyện Ba Vì chỉ đạo, xử lý dứt điểm vi phạm, lập lại trật tự quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở xã Đông Quang.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý hay thiếu trách nhiệm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.