(HNM) - Sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam khi đất nước đứng trước những bước ngoặt mà Người đã dự báo.
Ngày 28-1-1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), từ làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lên đường về tới cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung (thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Và chỉ sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị TƯ lần thứ tám.
Ngày 19-5-1941, giữa núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời với quyết tâm "làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do", Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, trong những năm 1941-1944, những đội du kích, đội tự vệ được xây dựng ở nhiều xã, nhiều huyện thuộc tỉnh Cao Bằng. Những trung đội Cứu quốc quân 1, 2, 3 - LLVT cách mạng được duy trì sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - tiếp tục được củng cố. Đây là lực lượng nòng cốt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đang dâng cao, đặc biệt trong các tỉnh thuộc khu giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Đến tháng 12-1944, đơn vị vũ trang chính quy đầu tiên của cách mạng - Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - được thành lập. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân mang những luận điểm cơ bản, có giá trị định hướng, chỉ đạo của Hồ Chí Minh về quân đội nhân dân và chiến tranh nhân dân không chỉ trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền mà có giá trị lâu dài trong cả thời kỳ chiến tranh cách mạng sau này.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam cũng mang về những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho cách mạng Việt Nam. Người tìm cách đặt mối liên hệ với đồng minh cho cách mạng Việt Nam, để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại. Người cũng là đầu mối trực tiếp trong nhiều mối quan hệ với các nước Đồng minh, để cách mạng Việt Nam có cơ hội nhận được những sự giúp đỡ trực tiếp bằng vật chất cho cuộc đấu tranh kháng Nhật cứu nước nhưng điều quan trọng hơn là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này. Hồ Chí Minh đã thiết lập được những mối quan hệ với các lực lượng chống Nhật ở Trùng Khánh, với các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ ở Côn Minh... Các đội du kích cách mạng ở Cao Bằng cũng đã nhận được những sự hỗ trợ về vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc và sự huấn luyện của một số chuyên gia quân sự Đồng minh.
Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn chú ý đến việc mở rộng cánh cửa để cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, để cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hòa bình và những giá trị nhân đạo. Giai đoạn trở về nước trực tiếp cùng Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền những năm 1941-1945 có ý nghĩa to lớn, được Người thực hiện với tất cả sự nỗ lực và đã đạt được những kết quả đáng kể.
Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã thống nhất nhận định rằng: Hồ Chí Minh là một lãnh tụ luôn xuất hiện đúng lúc tại những thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt. Sự kiện Người trở về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng vào mùa xuân năm 1941 là một sự kiện như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.