(HNM) - Ngày 17-9, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã chính thức tuyên bố hoãn chuyến thăm cấp Nhà nước đến Washington, được dự kiến vào ngày 23-10. Đây là sự cố ngoại giao nghiêm trọng nhất từ sau vụ cựu nhân viên tình báo Edward Snowden rò rỉ các hoạt động bí mật của Mỹ.
Tổng thống Brazil D.Rousseff vừa áp dụng một loạt biện pháp mới nhằm bảo đảm sự độc lập của Brazil trong các hệ thống mạng internet để tránh sự do thám của Mỹ. |
Nguyên thủ Brazil đưa ra quyết định khó khăn này sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama về những tranh cãi gián điệp giữa hai nước thời gian gần đây. Với lý do Mỹ đã không đưa ra lời giải thích thuyết phục cho Brazil sau vụ nghe lén điện thoại, hai nhà lãnh đạo đã quyết định hoãn chuyến thăm cấp Nhà nước của bà D.Rousseff đến Mỹ vì cho rằng kết quả của chuyến thăm không nên trở thành điều kiện cho một vấn đề mà theo phía Brazil "chưa được giải quyết một cách thỏa đáng". Cả Nhà Trắng và Văn phòng Tổng thống D.Rousseff đều cho biết, chuyến thăm có thể được thực hiện trong thời gian tới nhưng thật nhiều lý do để tin chuyến thăm không thể sớm diễn ra.
"Bước đi" của Tổng thống D.Rousseff thể hiện quan điểm rõ ràng của Brazil trước tiết lộ của Snowden rằng Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám thông tin liên lạc email của Tổng thống đương nhiệm và Tập đoàn Năng lượng nhà nước Petrobras. Trong thông cáo, Chính phủ Brazil khẳng định, các hoạt động theo dõi trái phép bằng cách chặn liên lạc và dữ liệu của các công dân, công ty và các thành viên của Chính phủ Brazil là xâm phạm chủ quyền quốc gia và không phù hợp với hợp tác dân chủ giữa các quốc gia thân thiện... Dù các quan chức Mỹ có giải thích rằng hoạt động tình báo của NSA là nhằm theo dõi hoạt động của nghi phạm khủng bố và không theo dõi các liên lạc cá nhân, nhưng bà D.Rousseff không chấp nhận giải thích này. Nhà lãnh đạo Brazil còn nhấn mạnh, hoạt động gián điệp của Mỹ không dính dáng gì tới an ninh quốc gia mà liên quan tới các yếu tố địa - chính trị, chiến lược, thương mại và kinh tế. Điều này là không thể chấp nhận, nhất là khi Brazil và Mỹ vốn có quan hệ truyền thống.
Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Brazil với trao đổi mậu dịch hai chiều năm 2012 đạt trên 59 tỷ USD. Từ trước tới nay, Mỹ luôn xem Brazil là một nước có ảnh hưởng quan trọng trong khu vực. Nhờ sức mạnh kinh tế, vai trò lãnh đạo tại Nam Mỹ và tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn đa phương, Brazil đã trở thành một "tay chơi có thứ hạng" trong nền chính trị thế giới và khu vực. Quan hệ Mỹ - Brazil trở nên khăng khít hơn kể từ khi bà D.Rousseff lên cầm quyền năm 2011. Tổng thống D.Rousseff lẽ ra sẽ được nghênh đón tại Washington vào ngày 23-10 với chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống B.Obama. Chuyến thăm nhiều kỳ vọng này được coi là nền tảng cho các hợp đồng khai thác dầu khí, công nghệ nhiên liệu sinh học và gói thầu cung cấp 36 máy bay chiến đấu cho Không quân Brazil với trị giá 4 tỷ USD. Thế nên, quyết định hoãn chuyến thăm với Tổng thống D.Rousseff là không dễ dàng khi cả Mỹ lẫn Brazil đều muốn "ghi điểm" cả về đối nội lẫn đối ngoại trong bối cảnh khó khăn toàn cầu hiện nay. Thậm chí, sự kiện này còn được xem là một thất bại ngoại giao của Washington nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ truyền thống với cường quốc Mỹ Latinh.
Hiện tại, Tổng thống D.Rousseff đã ra lệnh áp dụng một loạt biện pháp nhằm bảo đảm sự độc lập của Brazil trong các hệ thống mạng internet, bởi phần lớn giao dịch internet của Brazil đều đi qua Mỹ. Kế hoạch của Chính phủ Brazil là sẽ phóng vệ tinh viễn thông vào năm 2016 và lắp đặt một hệ thống cáp quang riêng dưới đáy biển trực tiếp với Châu Âu và các nước Nam Mỹ nhằm tránh sự do thám của Mỹ. Tổng thống D.Rousseff cũng đang hối thúc Quốc hội thông qua dự luật buộc Facebook, Google và các công ty dịch vụ trực tuyến khác phải lưu trữ các dữ liệu do người Brazil tạo ra trong các máy chủ đặt trong lãnh thổ Brazil. Với kế hoạch này, Brazil có thể tạo ra một tiền lệ để các nước khác theo gương, phá vỡ sự độc quyền Mỹ trên hệ thống internet.
Rõ ràng, bê bối do thám quy mô lớn đang đưa Mỹ vào những tình thế khó xử cả về đối nội lẫn đối ngoại. Nó không chỉ gây xói mòn niềm tin và làm tổn thương quan hệ Mỹ với các đồng minh, từ Châu Âu tới Châu Mỹ, mà còn khiến xứ Cờ hoa phải nhận những bước lùi không mong đợi mà sự từ chối từ người "hàng xóm" Brazil mới chỉ là một.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.