(HNM) - Ngày 5-5-2022, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trao đổi với Báo Hànộimới, đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, nghị quyết mới của Bộ Chính trị yêu cầu tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới thành phố phải vào cuộc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Nếu làm đúng được những yêu cầu ấy, Hà Nội sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, hơn thế nữa, sẽ là bước đột phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
Toàn diện, sâu sắc trong từng câu chữ
- Là người luôn quan tâm và đau đáu với sự phát triển của Thủ đô, xin đồng chí cho biết suy nghĩ khi Bộ Chính trị quyết định ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”?
- Sau khi nghiên cứu toàn văn Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 15-NQ/TƯ), tôi cảm nhận được tính toàn diện, sâu sắc trong từng câu chữ. Thật khó có thể bổ sung gì thêm khi mọi vấn đề liên quan đến phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô đều đã được đề cập trong văn bản.
Vấn đề còn lại là thống nhất và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm và tổ chức thực hiện thành công những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị.
- Thưa đồng chí, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” được ban hành khi đồng chí đang giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. So với Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, đồng chí tâm đắc nhất điều gì về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ mới được Bộ Chính trị ban hành?
- Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là sự kế thừa và nâng cao, cụ thể hóa hơn nữa những tư tưởng chỉ đạo đã có của Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, của Hiến pháp và Luật Thủ đô. Rất nhiều vấn đề được đề cập, được nhấn mạnh hơn; nói rõ hơn tính cấp thiết của những nhiệm vụ của Thủ đô cần phải làm trong thời kỳ mới; đặc biệt là sự cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội trước mắt và lâu dài; trách nhiệm của cả hệ thống chính trị (của Thủ đô và cả nước) tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô.
Là người đã trải qua nhiều năm làm việc ở Thủ đô, tôi thấy những tư tưởng chỉ đạo này là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, ở phần chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI, là rất sâu sắc, cụ thể. Đó là những hạn chế, yếu kém, trước hết là của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội; đồng thời cũng là của nhiều cấp, ngành, địa phương trong quá trình phối hợp tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trong đó là việc đã chưa kịp thời bổ sung, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho Thủ đô; tạo điều kiện cho Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình. Đó là một trong những điểm mới, qua thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã được đúc kết, nhấn mạnh trong Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này.
Hai vấn đề quan trọng, lớn hơn cả
- Nghị quyết số 11-NQ/TƯ được thực hiện trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức to lớn. Đồng chí cho biết nhìn nhận về kết quả thực hiện sau 10 năm đã qua, cũng như sự kỳ vọng của đồng chí ở Nghị quyết số 15-NQ/TƯ lần này?
- Tình hình, bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội mỗi lúc đặt ra những khó khăn, thuận lợi khác nhau. 10 năm trước gắn với những sự kiện hết sức quan trọng, to lớn: Mở rộng và hợp nhất thành phố Hà Nội với tỉnh Hà Tây và một số đơn vị hành chính của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Vĩnh Phúc; là sự kiện kỷ niệm “Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” - không chỉ là sự kiện lễ hội, mà là một khối lượng đồ sộ các công việc, dự án cần phải triển khai trong một thời gian khá ngắn. Đó cũng là thời kỳ Hà Nội cùng với cả nước đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập quốc tế... Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực thực hiện, vượt qua những khó khăn to lớn ấy và đã giành được những thành tựu rất to lớn được Trung ương và nhân dân cả nước ghi nhận.
Trong bối cảnh mới, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng xét tổng thể, thế và lực của Hà Nội đều mạnh hơn trước; kinh nghiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội hôm nay cũng đã trưởng thành hơn nhiều và đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý.
Nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô được đề cập trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị yêu cầu tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới thành phố phải vào cuộc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Từ đó mỗi cấp, ngành đều phải ra sức làm tốt trách nhiệm của mình. Nếu làm đúng được những yêu cầu ấy, Hà Nội thân yêu của chúng ta nhất định sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, hơn thế nữa, sẽ là bước đột phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
- Từ kinh nghiệm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, theo đồng chí, để Nghị quyết số 15-NQ/TƯ thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội cần phải chuẩn bị và làm tốt những gì?
- Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã nêu đầy đủ hệ thống quan điểm, mục tiêu phấn đấu và các nhiệm vụ, giải pháp cần phải làm. Phải làm một cách tích cực và đồng bộ.
Trong rất nhiều nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh, theo nhận thức của tôi, có hai vấn đề quan trọng, lớn hơn cả, đó là cơ chế, chính sách và con người đều đồng thời phải được quan tâm, xứng tầm với vai trò, vị trí của Thủ đô.
Hà Nội là một trong 63 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Nhưng Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Hiến pháp, Luật Thủ đô và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đều khẳng định điều ấy. Làm việc ở Thủ đô, vinh dự và trách nhiệm đều lớn. Tôi rất nhớ khi thảo luận và thông qua Luật Thủ đô, mỗi khi bàn đến việc trao cho Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù đều rất không dễ dàng. Không ít ý kiến chưa đặt đúng tầm mức đối với vai trò, vị trí của Thủ đô Hà Nội đối với cả nước. Mặc dù đó là những yêu cầu, đòi hỏi mang tính khách quan đặt ra nhằm xây dựng và phát triển “Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực” như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.