Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đột phá trong công tác cán bộ

Hiền Chi| 16/03/2010 08:12

(HNM) - Bộ Nội vụ đã hoàn tất dự thảo đề án Thí điểm mở rộng diện thi tuyển chức danh lãnh đạo, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án sẽ áp dụng thi tuyển thí điểm tới chức danh phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc, vụ phó, vụ trưởng...

Hình thức này thực sự là bước đột phá trong công tác cán bộ, được các ngành, các cấp và nhân dân kỳ vọng, bởi nếu việc thi tuyển tổ chức khoa học, bảo đảm công bằng, minh bạch sẽ từng bước ngăn chặn nạn "chạy" chức, "chạy" quyền.

Thận trọng triển khai

Những năm gần đây, một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An, Bình Dương, Phú Thọ… đã thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, bước đầu được dư luận đồng tình ủng hộ. Về cơ bản, nội dung thi tuyển gồm hai phần, thi viết kiểm tra kiến thức chuyên môn và thuyết trình, bảo vệ đề án do thí sinh xây dựng về phương thức lãnh đạo. Đặc biệt, thí sinh sẽ phải trả lời những câu hỏi về xử lý tình huống cụ thể. Cùng với đó, việc thành lập hội đồng thi tuyển, ra đề cũng được xem xét trên nhiều khía cạnh để có thể loại trừ mọi khả năng tiêu cực, nhằm thu được kết quả khách quan, minh bạch nhất. Do vậy, nhiều ban, ngành đã tìm được những cán bộ đủ năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc (TP Đà Nẵng đã lựa chọn được 25 lãnh đạo, trong đó có 5 phó hiệu trưởng cho 5 trường THPT; Phú Thọ đã tuyển được 5 lãnh đạo…).

Trường Lê Hồng Phong, nơi đào tạo nhiều cán bộ cho thành phố. Trong ảnh: Một lớp học bồi dưỡng cán bộ tại Trường Lê Hồng Phong. Ảnh: Bá Hoạt

Từ hiệu quả ban đầu, các tỉnh, thành phố đã tổ chức thi tuyển dự định sẽ thực hiện thí điểm thi tuyển đối với các chức danh cao hơn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo gặp không ít khó khăn do việc thi tuyển chưa được thể chế hóa; phần thi thuyết trình của thí sinh rất tốt nhưng lại khó vận dụng vào thực tế vì chưa bảo đảm điều kiện; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sẵn sàng do việc này chưa có tiền lệ… Hơn nữa, việc thi tuyển hầu như chưa thu hút được chính cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị tham gia do còn có tâm lý e ngại trước đồng nghiệp. Vì vậy, dù được triển khai thực hiện thí điểm tại một số địa phương từ năm 2007, nhưng đến nay thi tuyển chức danh lãnh đạo vẫn chưa được triển khai rộng rãi.

Thi tuyển chỉ là một "khâu"

Lâu nay, việc bổ nhiệm cán bộ thường được thực hiện trên cơ sở quy hoạch cán bộ của mỗi cơ quan, đơn vị. Khi có nhu cầu bổ nhiệm vào một chức danh nào thì tổ chức căn cứ vào đội ngũ cán bộ trong quy hoạch để lựa chọn, lấy phiếu tín nhiệm, rồi lấy ý kiến cấp ủy. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các thủ tục bổ nhiệm theo quy trình. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, quy trình này còn nhiều công đoạn rườm rà, thời gian bổ nhiệm một vị trí vẫn có thể kéo dài, dễ bị bó hẹp trong một phạm vi cán bộ nhất định, không tạo cơ hội rộng mở cho người có tài tham gia vào diện tuyển chọn. Với hình thức thi tuyển cán bộ, điều này sẽ được khắc phục bởi không phải chờ người giới thiệu, phát hiện, cá nhân nào thấy mình có đủ điều kiện thì có thể tự làm hồ sơ dự thi và hơn hết là các bước thi tuyển được công khai hóa, minh bạch, hạn chế tiêu cực.

Từ hiệu quả ban đầu sau khi thực hiện thí điểm tại một số địa phương, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, hoàn tất dự thảo đề án Thí điểm mở rộng diện thi tuyển chức danh lãnh đạo, trình Thủ tướng thông qua. Theo dự thảo, việc lựa chọn cán bộ sẽ được thi tuyển trực tiếp. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu khẳng định: Việc thi tuyển này chỉ nằm trong khâu tuyển chọn, để tìm được người có đủ tài, đức, đủ tiêu chuẩn, điều kiện và tín nhiệm, giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền quyết định. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện bổ nhiệm theo đúng quy định. Theo ông Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức (Bộ Nội vụ), dự thảo đề án Thí điểm mở rộng diện thi tuyển chức danh lãnh đạo sẽ tiếp tục áp dụng những quy định đã có hiệu quả trong đợt tổ chức thí điểm vừa qua như: vừa kiểm tra kiến thức vừa kiểm tra khả năng xử lý tình huống cụ thể; đồng thời, sẽ xét cả quá trình công tác ở đơn vị cũ của ứng viên (nếu có). Hội đồng chấm thi sẽ gồm 5-7 thành viên có trình độ cao và chuyên sâu về lĩnh vực thi tuyển và dù chỉ chênh lệch nửa điểm giữa các giám khảo, phần thi của ứng viên sẽ được kiểm tra lại.

Với nhiều điểm ưu việt, nhân dân đang trông chờ, sau khi được Thủ tướng thông qua, việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo sẽ tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; động viên cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, trình độ, yên tâm phấn đấu vươn lên và điều quan trọng là sẽ nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan, đơn vị Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá trong công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.