Chính trị

Bước đột phá để Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù

Đình HIệp 25/11/2023 - 10:43

Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên), Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Hà Nội trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế.

Theo đại biểu, đây là bước đột phá tạo tiền đề thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo.

ta-thi-yen.jpg
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên), Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tăng cường chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô (Chương II), đại biểu Tạ Thị Yên nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Về số lượng biên chế, theo đại biểu, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.

Cần quy định cụ thể hơn về việc cơ quan nào có thẩm quyền quyết định biên chế(?) Nguồn biên chế dự phòng được lấy từ nguồn nào? Nếu quy định như dự thảo hiện tại là giao cho HĐND thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.

“Quy định như vậy sẽ giúp thành phố chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương”, đại biểu nhấn mạnh.

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25%. Đây được coi là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.

Theo đại biểu, việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND từ 2 lên 3, mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng khá phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của HĐND thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này.

“Tôi cũng đồng ý với quy định tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách lên 25%, theo đó tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu với lý do Thủ đô Hà Nội có quy mô dân số đông thứ hai cả nước”, đại biểu nêu quan điểm.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Điều 13 Luật Thủ đô 2012 đã quy định “HĐND thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy khá đầy đủ và thành phố có đủ thẩm quyền để thu hút, trọng dụng nhân tài với các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, đại biểu Tạ Thị Yên đồng ý với chính sách hỗ trợ từ ngân sách thành phố đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô.

Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo dự thảo Luật, cho phép áp dụng quỹ lương với tổng mức chi phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

“Tôi đề nghị luật cũng cần quy định làm sao cho phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo bám sát lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024 mà Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) vừa thảo luận”, đại biểu kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá để Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.