Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển tích cực về an sinh xã hội

Mai Hoa| 24/01/2023 06:40

(HNM) - Nhiều năm nay, thành phố Hà Nội luôn ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Khám chữa bệnh cho người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Nguyễn Khánh

Điểm nhấn ấn tượng

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (số 215 Trung Kính, Hà Nội) sáng 22-11-2022, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Mê Linh Lê Viết Tụng tất bật hướng dẫn cho hàng chục hội viên tham gia tìm hiểu thông tin thị trường việc làm, tiếp xúc với các nhà tư vấn, tuyển dụng… trong khuôn khổ phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Nhiều năm qua, Hội Người khuyết tật huyện Mê Linh luôn gắn bó chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhằm kết nối, hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm công việc phù hợp với mức độ, hạng thương tật của từng người.

Theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Mê Linh Lê Viết Tụng, hiện số người khuyết tật chưa có việc làm trên địa bàn huyện không nhiều, vì hầu hết đều được đào tạo nghề, đã đi làm. Nhiều người khéo léo đang làm các công việc đính cườm, thêu ren, may mặc, đóng gói bao bì dược liệu; thậm chí có người còn mở cửa hàng chuyên về ẩm thực, tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ… Thu nhập có thể chưa cao, nhưng việc có nghề, có việc làm đã giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, tự tin hơn, có khả năng sống độc lập tốt hơn. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội luôn sát cánh, hỗ trợ người khuyết tật của huyện Mê Linh tìm kiếm việc làm phù hợp.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành chia sẻ, Trung tâm luôn nỗ lực tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách có liên quan đến quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ. Nhờ vậy, việc phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm đã mang lại những kết quả hết sức tích cực.

Đánh giá về công tác giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình số 08/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của thành phố, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ liên quan, bảo đảm việc làm cho người lao động, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp... Tất cả nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và hiện đại hóa hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; tạo việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập; đồng thời, mở rộng vững chắc diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Xây dựng hệ thống chính sách, bảo đảm an sinh xã hội

Khẳng định quan điểm “an sinh xã hội là quyền cơ bản của con người, đầu tư cho an sinh xã hội cũng chính là đầu tư cho phát triển, phục vụ nhân dân”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08/CTr-TU Nguyễn Ngọc Tuấn nêu lên những bước chuyển tích cực về an sinh xã hội rất đáng ghi nhận từ việc thực hiện chương trình quan trọng này, bao gồm việc xây dựng hệ thống các chính sách xã hội toàn diện bao trùm, với nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động, triển khai có hiệu quả hệ thống sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã, tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm, lựa chọn việc làm phù hợp, góp phần ổn định cuộc sống. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng nhanh qua các năm và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội…

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh thêm những bước chuyển trong việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; trong đó, thành phố đã ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia; ban hành một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của Hà Nội, nhờ vậy, hết năm 2022, thành phố giảm được 1.582 hộ nghèo, đạt 218,8% kế hoạch, số hộ nghèo còn 0,095% tổng số hộ dân. Cùng với đó, chính sách người có công luôn được quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng cao. Hiện tại, Hà Nội có gần 800.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng, trong đó có gần 84.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với tổng kinh phí chi trả hơn 152 tỷ đồng/tháng. Thêm nữa, chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời theo quy định, mở rộng các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn của thành phố.

Không những vậy, ngày 8-4-2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Cùng với đó, HĐND thành phố đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, tập trung nguồn lực hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo; đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp, xây dựng khu nhà ở cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên. Bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hơn 80% dân cư khu vực nông thôn…

Có thể khẳng định, với sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc thực hiện tốt Chương trình số 08/CTr-TU, thành phố luôn ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Sự quan tâm của thành phố trong công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc, tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển tích cực về an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.