(HNMO) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã kết thúc cơ bản sau 14 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. Theo đó, ngay khi hiệp định có hiệu lực, 71% hàng EU xuất sang Việt Nam và 65% hàng Việt Nam xuất sang EU sẽ được hưởng thuế suất 0%.
Lộ trình tiếp theo, đối với Việt Nam là 10 năm, EU là 7 năm, sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu 99% số dòng thuế. Cùng với việc thúc đẩy kim ngạch xuất/nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, EVFTA còn mở ra cơ hội hợp tác lớn về đầu tư. Với mức độ đã đạt được, EVFTA được đánh giá là một hiệp định tương đối toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả 2 phía.
Nhằm chia sẻ thêm thông tin về EVFTA và những khía cạnh thực tiễn mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, chiều 4-9, Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phối hợp với Trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussels, Đại học Tổng hợp Tự do Bruxells (Vương Quốc Bỉ), tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp "Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam và lợi ích doanh nghiệp". Diễn đàn có sự tham dự của Giáo sư Claudio Dordi - Trưởng nhóm Hỗ trợ Kỹ thuật của Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) tại Việt Nam, ông Frank Juettner - Giám đốc Công ty Tuv Rheinland, ông Lê Triệu Dũng-Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, bà Cao Cẩm Linh - Giám đốc điều hành Công ty Golden Star Investment Trading and Logistics cùng đại diện nhiều doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi cụ thể về nội dung của hiệp định, chia sẻ kinh nghiệm để chuẩn bị tốt nhằm thích nghi và tiến tới thu được lợi ích tốt nhất từ EVFTA. Theo Giáo sư Claudio Dordi, về mặt thực tiễn, có 5 khía cạnh quan trọng nhất mà các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cần nắm rõ để thu được lợi ích từ EVFTA, đó là: Thuế quan và các thủ tục hành chính; quy định nhãn hiệu vả sở hữu trí tuệ; quy định về chất lượng và an toàn; công tác hậu cần; quản lý rủi ro.
EU hiện là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, thương mại và đầu tư, EVFTA được ký kết sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hàng loạt công việc sẽ tiếp tục được triển khai nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để cùng tìm ra dự án, chương trình hợp tác giữa các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.