(HNM) - Căng thẳng ngày càng leo thang xung quanh món nợ ngót nghét 200 triệu USD đang đẩy Nga và Belarus - vốn có mối quan hệ láng giềng truyền thống hữu hảo - rơi vào cuộc chiến "vàng xanh" tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Ngày 22-6, một ngày sau cuộc đàm phán bất thành giữa hai nước, Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga đã giảm mạnh lượng khí đốt cung cấp sang Belarus từ 15% lên 30%; đồng thời cảnh báo sẽ nâng mức cắt giảm lên đến 85% nếu Minsk không thanh toán hết nợ. Ngay lập tức, Belarus cũng cảnh báo sẽ rút khí đốt từ hệ thống trung chuyển sang châu Âu để đáp ứng nhu cầu trong nước. "Lời qua tiếng lại" không ngừng được tung ra từ hai phía.
Belarus cảnh báo sẽ rút khí từ đường ống trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu để đáp ứng cho nhu cầu nội địa. |
Đây không phải là lần đầu tiên giữa Nga và Belarus nổ ra tranh cãi liên quan tới vấn đề thanh toán tiền mua năng lượng. Kể từ khi Nga chuyển mối quan hệ hợp tác với các nước thuộc Liên Xô trước đây sang phương thức thị trường, giá khí đốt của Nga cung cấp cho các nước láng giềng được đẩy dần lên mức chung của thế giới. Tuy nhiên, vì mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, Nga vẫn luôn dành cho Belarus mức giá khá ưu đãi. Trong khi giá khí đốt chung cho khu vực châu Âu đã vượt qua ngưỡng 250 USD/1.000m3 từ lâu, thì đến năm 2010 Belarus chỉ phải thanh toán có 169 USD/1.000m3 trong quý I và 185 USD/1.000m3 cho quý II. Nhưng từ đầu năm, lấy lý do khó khăn về tài chính, Minsk vẫn trả theo giá của năm ngoái tức là 150 USD/1.000m3. Các nhà lãnh đạo Công ty Gazprom của Nga cho rằng, tài chính không phải là vấn đề lớn đối với Belarus, nước có mức thâm hụt ngân sách chỉ chiếm 1,5% GDP. Nếu Belarus tiếp tục không trả đúng với mức quy định, thời gian tới Gazprom có thể bị thiệt hại đến 600 triệu USD.
Trên thực tế, từ nhiều tháng qua, Belarus đã nhiều lần "đánh tiếng" để Nga không tăng giá khí đốt và dầu thô. Đổi lại, Minsk hứa không cản trở các doanh nghiệp Nga nắm quyền kiểm soát công ty vận chuyển khí đốt Beltransgaz. Belarus cũng không giấu giếm ý định coi đây là "con bài" trong Liên minh thuế quan chung với Nga và Kazakhstan sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, tấm "thẻ xanh" khí đốt sẽ là một viễn cảnh xa vời với Belarus. Mátxcơva cho rằng, việc nắm quyền kiểm soát Beltransgaz không còn quan trọng nữa. Trong tương lai, khi dự án đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc" và "Dòng chảy phương Nam" hoàn tất, đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga qua Belarus chiếm 1/5 nhu cầu nhập khẩu của châu Âu sẽ giảm giá trị. Bên cạnh đó, Điện Kremlin cũng lo ngại, ưu đãi cho Belarus sẽ tạo tiền lệ khuyến khích Kazakhstan cũng đưa ra các điều kiện với Nga.
Hiện tại, Mátxcơva đang nghiên cứu thêm các tuyến vận chuyển mới qua Ukraine để phòng trường hợp Belarus sẽ rút bớt khí đốt từ đường ống trung chuyển như đã cảnh báo, đồng thời cam kết sẽ giữ nguyên sản lượng xuất khẩu mặt hàng này cho các khách hàng ở cựu lục địa. Công ty Ukrtransgaz của Ukraine cũng khẳng định họ sẵn sàng tăng lượng vận chuyển khí đốt từ Nga sang phương Tây nếu việc cấp khí đốt qua lãnh thổ Belarus gặp khó khăn. Tuy nhiên, cuộc chiến "vàng xanh" Nga - Belarus vừa bùng nổ không khỏi khiến Liên minh châu Âu (EU) "kinh động" vì nó sẽ ảnh hưởng tới 20% lượng khí đốt cựu lục địa mua từ Nga.
Cuộc chiến khí đốt Nga - Ukraine cuối năm 2008 khiến hàng loạt quốc gia không có đủ năng lượng để sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá vẫn còn "ám ảnh" châu Âu. Giờ đây, những diễn biến nêu trên một lần nữa khoét sâu thêm mối lo về năng lượng của châu Âu khi vẫn chưa có nguồn cung bảo đảm để thay thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.