(HNM) - Trong giai đoạn "nghỉ hè" của V-League để bóng đá Việt Nam "đồng hành cùng World Cup", Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và BTC giải đã họp sơ kết giai đoạn lượt đi và đề ra những việc cần làm ngay ở 10 lượt trận cuối. Vấn đề bạo lực sân cỏ là một trong những "điểm nhấn" mà các BTC địa phương, các đội bóng và trọng tài cần quán triệt.
Nỗi lo muôn thuở
Từ đầu V-League 2010, đã có quá nhiều bạo lực trên các khán đài và sân cỏ. Không ít BTC địa phương đã không kiểm soát được cổ động viên dẫn đến cảnh đốt pháo sáng, đốt lửa, cổ động viên 2 đội gây sự với nhau. Thậm chí thành viên của BTC cũng tiếp tay hoặc tham gia cùng cầu thủ đội nhà xô xát với cầu thủ đội bạn. Có nhiều cầu thủ đá bóng mà như đấu trên võ đài. Họ sẵn sàng triệt hạ đối phương bằng những động tác rợn người. Đánh "nóng" (khi tranh bóng), đánh "nguội" (khi không có bóng) đều được dở ra khi trọng tài không để ý hoặc trọng tài quá… hiền. Phản ứng trọng tài rất lộ liễu (như trường hợp Công Vinh vái trọng tài), quá quắt hơn, có người còn đấm vào lưng trọng tài. Những hành vi phi thể thao luôn được cầu thủ áp dụng để gây áp lực với những người cầm còi, cầm cờ và cả để… bõ tức. Đáng tiếc là không ít HLV đã đồng tình với học trò của mình. Họ coi lối đá "chém đinh chặt sắt" như một thứ vũ khí lợi hại để chiến thắng hoặc ngăn đối phương chiến thắng.
Lễ bái không đúng chỗ, Công Vinh nhận án phạt nặng. |
Nhiều trọng tài đã không làm hết trách nhiệm của mình. Họ tỏ ra thiếu kiên quyết, kém bản lĩnh khi cần phải rút thẻ vàng, thẻ đỏ, đặc biệt trước cầu thủ đội chủ nhà. Quy định bị 3 thẻ vàng mới bị coi là 1 thẻ đỏ cũng "tiếp tay" cho nạn bạo lực sân cỏ. Rất ít thẻ đỏ trực tiếp được trọng tài rút ra mặc dù có rất nhiều hành động đáng bị thẻ đỏ.
Diễn biến của giai đoạn lượt đi thường rất "hòa bình" nhưng V-League 2010 này đi ngược lại xu hướng ấy. Nhiều người lý giải rằng năm nay rất nhiều ông bầu đầu tư "tiền tấn" vào đội bóng với mục tiêu giành vị trí cao, vì vậy phải "chiến thắng bằng mọi giá". Bệnh thành tích đã làm mờ mắt từ ông bầu đến HLV và cầu thủ.
Bệnh chưa giảm
Trước tình hình ấy, sơ kết và tìm biện pháp khắc phục để V-League ngày càng đẹp hơn, trong sáng hơn là điều cần thiết. Đáng tiếc là sau cuộc họp sơ kết này, có vẻ như tình hình không biến chuyển là bao. Tại vòng đấu thứ 16 hồi giữa tuần, khán giả vẫn chứng kiến cầu thủ Xi măng Hải Phòng gây hấn với cầu thủ đối phương. Để trả đũa, cầu thủ của Sông Lam Nghệ An liên tiếp phi 2 chân vào cẳng chân, bàn chân cầu thủ chủ nhà… Những hành động, động tác phi thể thao đó làm xấu xí V-League, thế nhưng trọng tài vẫn làm ngơ. Nếu những hành vi ấy diễn ra tại World Cup 2010, vô khối thẻ đỏ sẽ được rút ra. Rõ ràng là khâu trọng tài đang có vấn đề. Các ông vua vốn là người cầm cân nảy mực lại trở thành nhân tố làm mất ổn định V-League 2010. Với tinh thần "được làm vua, thua xuống hạng" của các đội bóng, nếu lực lượng trọng tài không làm đúng chức năng, không biết giải sẽ đi về đâu?
4 trọng tài phạm sai lầm tại vòng loại World Cup đã phải trả giá bằng việc xách va li về nước sớm. Họ đã sai vì lỗi nhận định nhưng vẫn bị kỷ luật, chứng tỏ FIFA rất nghiêm túc và công bằng. Lẽ nào VFF và BTC V-League 2010 không "đồng hành cùng World Cup" mà học cách làm của FIFA?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.