(HNM) - Vầng sáng chói lòa và tiếng nổ trầm đục kinh dị. Bóng hình những người cháy đen hằn lên những tòa nhà đổ nát. Có những người thoát chết một cách thần kỳ với những vết thương, vết bỏng đau đớn...
Đó là những mảnh hồi ức sắc nét trong tâm trí người dân Nhật Bản về thời khắc Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9-8-1945 cướp đi sinh mạng của 220.000 người.
Khu tưởng niệm các nạn nhân bị bom nguyên tử tại Hiroshima. |
66 năm đã trôi qua, dù bộ mặt của Hiroshima và Nagasaki đã đổi khác, dấu vết khủng khiếp của bom nguyên tử ngày nào đã được xóa mờ, song hình ảnh nỗi đau về bom nguyên tử hằng năm vẫn dội về. Đến hôm nay, có những người vẫn không thể chấp nhận nổi sự thật rằng họ đã vĩnh viễn mất đi người thân và những di chứng do phóng xạ nguyên tử để lại. Vết thương lòng sẽ còn cào xé người dân xứ Mặt trời mọc.
Thế nhưng, những mất mát và tang thương từ Hiroshima và Nagasaki vẫn không thể ngăn nổi các quốc gia theo đuổi chính sách hạt nhân. Nhất là trong thời kỳ Chiến tranh lạnh khi cuộc đua sản xuất loại vũ khí giết người hàng loạt này được đẩy lên tới đỉnh điểm, đe dọa cuộc sống hòa bình của nhân loại toàn thế giới.
Năm 1970, để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng "dịch nguyên tử", Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) ra đời thu thập được chữ ký của khoảng 190 quốc gia, nhưng thực tế, "cơn ác mộng nguyên tử" không vì thế mà giảm đi. Theo con số của Liên hợp quốc, hiện nay, trên thế giới có 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân với hàng chục ngàn quả bom tương đương với quả bom đã ném xuống Nhật Bản. Nguy hiểm hơn, ngày càng có nhiều quốc gia coi vũ khí hạt nhân như một phần của chiến lược chiến tranh chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp tự vệ hay răn đe.
Bước lùi của NPT được đánh dấu cách đây 6 năm, đúng vào dịp Hiroshima và Nagasaki kỷ niệm 60 năm thảm họa hạt nhân khi cựu Tổng thống Mỹ George Bush lúc đó bác bỏ Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân, rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo. Động thái này của nước Mỹ được cho là nhằm phục vụ kế hoạch phát triển những loại vũ khí mới và tham vọng triển khai một hệ thống tên lửa đánh chặn có khả năng phá hủy các đầu đạn ngay từ trên không. Cùng với động thái của "chú Sam", thế bế tắc dài hạn của cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên là những yếu tố chủ chốt khuấy đảo chính trường thế giới trong suốt nhiều năm qua.
Không chỉ vũ khí nguyên tử, các chương trình hạt nhân dân sự cũng không ít lần gieo rắc nỗi kinh hoàng xuống cuộc sống của loài người. Cách đây vài tháng, người dân Ukraine đã tổ chức kỷ niệm 25 năm thảm họa Chernobyl - vụ nổ nhà máy điện hạt nhân đã biến cả một khu vực có diện tích lên tới hàng ngàn kilômét vuông thành vùng đất chết. Và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện nguyên tử Fukushima (Nhật Bản) sau trận động đất, sóng thần lịch sử. Nỗi đau trước chưa qua, nỗi đau sau đã ập tới; những gì vừa diễn ra tại Fukushima đã làm dấy lên cuộc tranh cãi xung quanh chiến lược phát triển nguồn năng lượng từng được cho là bước tiến đột phá của thế kỷ XX.
Rõ ràng những tác động của hạt nhân sẽ còn gây sóng gió cho thế giới nếu các quốc gia không đưa ra được những biện pháp và cơ chế giám sát hiệu quả các chương trình phát triển loại năng lượng này. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả chính là ý thức và trách nhiệm của tất cả các nước trên con đường tiến tới mục tiêu chung về một thế giới không có vũ khí hạt nhân như lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.