Một trong những nhiệm vụ của công tác khoa giáo của Đảng thời gian tới là cần tập trung hoàn thành các đề án tổng kết, sơ kết các nghị quyết, chỉ thị bảo đảm chất lượng và theo đúng kế hoạch thời gian trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ đạo tại hội nghị giao ban công tác khoa giáo của Đảng 6 tháng đầu năm được tổ chức sáng 18-7 tại Hà Nội.
Tham dự và chủ trì hội nghị còn có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành khoa giáo. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng dự.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Công tác khoa giáo của Đảng 6 tháng đầu năm đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ đã đề ra. Thời gian tới, công tác khoa giáo của Đảng cần tập trung vào 4 vấn đề sau:
Một là tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng liên quan đến công tác khoa giáo, tập trung vào những văn bản mới được ban hành trong 6 tháng đầu năm.
Hai là đi trước mở đầu trong thông tin để không chạy theo, đi nói lại những vấn đề đã xảy ra. Cơ chế thông tin của ta rất tốt, nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành để làm tốt công tác tuyên truyền.
Ba là phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề phát sinh. Có tinh thần cầu thị, khách quan, thẳng thắn nhìn thẳng vào vấn đề để phối hợp xử lý giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận quan tâm.
Bốn là tiếp tục hoàn thiện các văn bản, chỉ thị để bổ sung vào dự thảo Văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp. Cùng với vấn đề đầu tư phát triển kinh tế cũng cần quan tâm đến lĩnh vực xã hội.
Tiến hành đánh giá về công tác xã hội hóa và thực hiện tự chủ để báo cáo Thường trực Ban Bí thư: Công tác xã hội hóa trong giáo dục, đào tạo, nhất là chính sách tự chủ ở tất cả các cấp học. Công tác xã hội hóa, chính sách tự chủ của các bệnh viện công lập và khoa học công nghệ.
Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng liên quan đến công tác khoa giáo; chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến các lĩnh vực khoa giáo, tập trung vào những vấn đề gây bức xúc xã hội hiện nay trong giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ trẻ em; bảo vệ môi trường…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khối khoa giáo của Đảng thời gian qua đã làm tốt công tác chỉ đạo điều hành, trong đó có việc ban hành các văn bản do Ban Tuyên giáo, Chính phủ và các ban, bộ, ngành soạn thảo và đã bám sát thực hiện.
“Chúng ta cần đặt ra vấn đề có tính liên ngành, sự phối hợp giữa các ban Đảng và các bộ, ngành rất có hiệu quả. Quan trọng nhất trong khối là sự phối hợp để đẩy mạnh công tác khoa giáo trong toàn ngành, làm chuyển biến nhận thức để cùng hành động; đặc biệt là vai trò của công tác truyền thông”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Công tác tuyên truyền tiếp tục định hướng và chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến các lĩnh vực khoa giáo. Bám sát tình hình thực tiễn, dự báo tình hình trong nước và quốc tế, chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về lĩnh vực khoa giáo.
Chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương dự báo, phát hiện các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa giáo có thể gây bức xúc trong xã hội để có kế hoạch chuẩn bị các phương án phối hợp xử lý và tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chú trọng tuyên truyền về đổi mới giáo dục, trọng tâm là đổi mới thi tốt nghiệp THPT và đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông; giới thiệu những mô hình hay, gương người tốt, việc tốt trong đổi mới giáo dục; đưa tin phê phán những tiêu cực, bạo lực học đường…
Trong lĩnh vực y tế và các vấn đề xã hội, tập trung tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh, chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế; mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, chất lượng dân số; phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; phòng chống xâm hại, ngược đãi, bạo lực đối với trẻ em, tình trạng tảo hôn và các vấn đề gia đình trong tình hình mới.
Về lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, tập trung tuyên truyền về các thành tựu khoa học công nghệ; trình độ khoa học công nghệ của đất nước…; khởi nghiệp sáng tạo; phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình tái cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư; công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; các vấn đề về vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn…
Ban Cán sự đảng các ban, bộ, ngành trong khối khoa giáo tiếp tục lãnh đạo tổ chức, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết chỉ thị của Đảng liên quan đến lĩnh vực của cơ quan, đơn vị. Thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của các nghị quyết, chỉ thị bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực khoa giáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.