Hạ tầng công nghệ chưa bảo đảm, lo ngại việc “mượn đơn thuốc”, lạm dụng thuốc… là lý do quy định chỉ được bán lẻ “online” thuốc không kê đơn.
Chiều 20-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật, 1 pháp lệnh vừa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Cụ thể, đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực.
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cũng công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Chi phí tố tụng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 40.
Thông tin tại họp báo, đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược quy định phương thức thương mại điện tử chỉ được bán lẻ thuốc không kê đơn (bán thuốc “online”), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Trong trường hợp cơ sở hạ tầng đồng bộ thì phương thức bán thuốc thông qua thương mại điện tử sẽ tạo thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay theo đánh giá chung, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa bảo đảm, đặc biệt là tại các nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc.
“Quan điểm cuối cùng là phải bảo vệ sức khỏe cho người dân bởi thuốc có ảnh hưởng trực tiếp”, ông Đỗ Xuân Tuyên nói. Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nếu không quản lý chặt chẽ, sẽ xảy ra hiện tượng “mượn đơn thuốc” để mua thuốc qua thương mại điện tử; tránh việc lạm dụng thuốc, “kháng” kháng sinh khi người dân mua, sử dụng thuốc tùy tiện; bảo đảm quản lý tốt thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện…
“Trong thực tiễn triển khai, chúng tôi vẫn hướng dẫn về “trường hợp đặc biệt” mua thuốc qua thương mại điện tử trong điều kiện thực tế tại từng thời điểm đặc thù. Khi sửa toàn diện Luật Dược, chúng tôi sẽ có đánh giá tác động và nghiên cứu sửa đổi quy định này”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.
Với việc Luật Đầu tư bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, ưu đãi này được áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực này. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định và dự thảo quyết định về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (nếu đủ điều kiện) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với các phương tiện bay khác theo Luật Phòng không nhân dân, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết: Luật đã quy định các phương tiện bay khác bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian) và thiết bị bay khác có người điều khiển hoặc không có người điều khiển mà không phải là tàu bay, tàu bay không người lái. Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết tất cả phương tiện bay này đều được điều chỉnh, quản lý với các quy định trong Luật Phòng không nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.