Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bảo vệ tài nguyên và môi trường là nguyên tắc và cốt lõi của phát triển bền vững. Nếu xem nhẹ môi trường, chúng ta sẽ gánh chịu ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên, mắc nợ đời sau.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp đầu năm mới Đinh Dậu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Nếu xem nhẹ môi trường, chúng ta sẽ gánh chịu ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên, mắc nợ đời sau". Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Thưa Bộ trưởng, với cương vị đứng đầu ngành TN&MT, quản lý 8 lĩnh vực “nóng”, được dư luận quan tâm như đất đai, khoáng sản, môi trường…, Bộ trưởng có thể cho biết những điểm nhấn của ngành trong năm 2016? Điều gì trong quản lý, điều hành khiến Bộ trưởng trăn trở nhất trong năm vừa qua?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi cho rằng, công tác quản lý Nhà nước về TN&MT trong năm qua đã có những chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực của ngành cũng đã được rà soát trên tinh thần xoá bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và mỗi người dân. Những văn bản pháp luật trên các lĩnh vực của ngành gây trở ngại, tốn kém, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nếu thuộc quyền hạn của Bộ sẽ được sửa đổi hoặc thậm chí huỷ bỏ ngay. Trong trường hợp các văn bản này thuộc thẩm quyền của các cấp cao hơn thì sẽ được kiến nghị càng sớm càng tốt. Việc kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đổi mới, có sự phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương, tập trung xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm, được dư luận quan tâm, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra ngoài việc xử lý, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên và môi trường còn phát hiện những bất cập, lỗ hổng trong chính sách, pháp luật để tiếp tục hoàn thiện.
Điều mà tôi băn khoăn và trăn trở nhất sau thời gian đảm nhận trách nhiệm là người đứng đầu ngành TN&MT là làm thế nào để kiểm soát ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng; giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý tình trạng bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương.
Đến lúc này có thể nói rằng, Bộ TN&MT đã tham gia tích cực cùng các Bộ, ngành, địa phương khắc phục các rủi ro, sự cố do cả nhân tai lẫn thiên tai gây ra. Trong công việc này, chúng tôi đã làm hết sức mình để giảm thiểu hậu quả các rủi ro, sự cố đó, bảo vệ quyền lợi và tính mạng của người dân. Chúng tôi tin rằng, đa số người dân hiểu được sự cố gắng và cùng với chúng tôi chia sẻ khó khăn, vượt qua thách thức.
Cải cách thủ tục hành chính luôn được Bộ TN&MT chú trọng thực hiện nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong năm 2017, vấn đề cải cách thủ tục hành chính sẽ được thực hiện như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là đối với hai lĩnh vực phức tạp là đất đai và khoáng sản?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bộ TN&MT quản lý nhiều lĩnh vực có liên quan đến mọi mặt sản xuất, đời sống do đó việc cắt giảm thủ tục hành chính chắc chắn sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội, tiết kiệm được chi phí, công sức cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành xây dựng và đang triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin cung cấp 15 dịch vụ công trực tuyến tại Bộ. Thiết lập cơ chế tương tác để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp về chính sách, pháp luật và ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực TN&MT.
Năm 2017, công tác cải cách hành chính tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong đó cần tập trung triển khai đồng bộ việc tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng hoàn thiện văn bản pháp luật, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, thủ tục con, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giấy tờ; thực hiện liên thông giữa các cơ quan hành chính theo hướng một cửa.
Đổi mới trong văn hóa giao tiếp, giải quyết công việc, trong phục vụ nhân dân. Công bố công khai thủ tục hành chính tại nơi tiếp nhận, thiết lập hệ thống tiếp nhận đánh giá, phản hồi của người dân và doanh nghiệp để đánh giá kết quả cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị.
Đất đai, khoáng sản là đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, là tài sản của người dân, doanh nghiệp, do đó cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện chính là tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước, chi phí của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, ngay từ năm 2016, tôi đã chỉ đạo rà soát tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đối với hai lĩnh vực này, trong đó đối với đất đai đã cắt giảm từ 2 - 20 ngày đối với các thủ tục về cấp giấy chứng nhận. Hiện nay, hai Nghị định về đất đai, khoáng sản đã được Chính phủ ban hành. Trong năm 2017, Bộ sẽ đôn đốc các địa phương ban hành văn bản triển khai theo thẩm quyền và triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ quan điểm "Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, kiên quyết không vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại môi trường". Thực hiện quan điểm này cũng như các nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ trong bảo vệ môi trường, trong năm 2017, Bộ trưởng có kế hoạch hành động gì, đặc biệt là các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng quan điểm hết sức đúng đắn và cần thiết này là nguyên tắc và cốt lõi của phát triển bền vững. Nếu xem nhẹ môi trường, chúng ta sẽ gánh chịu ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên, mắc nợ đời sau.
Để thực hiện quan điểm này của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ trong bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã bắt tay ngay vào thực hiện những hoạt động cụ thể.
Theo đó, vào cuối năm 2016, chúng tôi đã tiến hành thanh tra hàng loạt các cơ sở sản xuất có quy mô xả thải lớn (200 m3/ngày đêm trở lên) trên phạm vi toàn quốc. Kết quả thanh tra cho thấy nhiều cơ sở sản xuất chưa đáp ứng quy chuẩn xả thải của Việt Nam. Đầu năm 2017, tất cả những cơ sở thuộc loại này sẽ phải hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát về bảo vệ môi trường tất cả các tổ chức sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, bắt buộc họ thực thi một cách nghiêm chỉnh các giải pháp được đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Mọi hành vi vi phạm về môi trường, thậm chí ngay cả ĐTM đã được phê duyệt nhưng chưa tính hết các nguy cơ cũng sẽ được xử lý theo luật định một cách kiên quyết, không khoan nhượng.
Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp của địa phương trên tinh thần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Người đứng đầu chính quyền của từng cấp sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi mà mình được phân công chịu trách nhiệm.
Về lâu dài, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước, vấn đề bảo vệ môi trường cũng sẽ được xem xét một cách nghiêm túc, có tầm nhìn dài hạn, có tính liên vùng trong các chương trình phát triển ở cấp quốc gia hoặc địa phương. Chúng ta cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến những chỉ số quan trọng về môi trường (sức chịu tải của môi trường, công nghiệp sản xuất phát thải carbon thấp…).
Sang năm 2017, ngành TN&MT sẽ chọn lĩnh vực nào là trọng tâm công tác, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Theo tôi đánh giá, các lĩnh vực quản lý của Bộ đều có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề dân sinh, kinh tế, quốc phòng an ninh, vì vậy cần phải chú trọng để tạo sự chuyển biến đối tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định những vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm có thể tạo bước đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác quản lý TN&MT để có thể giải quyết được những vấn đề bức xúc của nhân dân, doanh nghiệp.
Thứ nhất là tập trung rà soát hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật. Chính sách đúng đắn sẽ tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giải phóng được các nguồn lực TN&MT cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời ngăn ngừa tiêu cực và lãng phí.
Thứ hai là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về TN&MT, tập trung vào những vấn đề bức xúc của người dân và doanh nghiệp như vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực đất đai; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khai thác khoáng sản.
Thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thiết lập cơ chế kiểm soát việc thực hiện thủ tục của các cơ quan nhà nước và cơ chế để người dân, doanh nghiệp phản hồi, đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ để từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân. Triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến qua mạng để giảm tiêu cực nhũng nhiễu.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.