(HNM) - Sau Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tới Pakistan trong một chuyến thăm ngắn ngày nhưng nhiều ý nghĩa. Lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Hagel đến quốc gia Nam Á và cũng là lần đầu tiên, một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du cường quốc hạt nhân này kể từ chuyến đi của người tiền nhiệm Robert Gates vào tháng 1-2010.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. |
Vị trí đặc biệt khiến Pakistan trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng thời gian gần đây, mối quan hệ thân thiết này đã liên tiếp gặp sóng gió. Vì vậy, sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được nhìn nhận là một động thái nhằm cải thiện mối quan hệ với một đối tác chưa thể thay thế trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa cực đoan.
Trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Nawaz Sharif và Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan Raheel Sharif, vấn đề an ninh cho Afghanistan thời hậu chiến và quan hệ quốc phòng Pakistan - Mỹ đã trở thành các chủ đề trọng tâm. Là quốc gia láng giềng của Afghanistan và có sự tương đồng trên nhiều phương diện văn hóa, Islamabad có vai trò quan trọng đối với sự ổn định ở quốc gia vừa thoát ra khỏi cuộc chiến nhưng chưa có hòa bình. Do vậy, những cam kết thúc đẩy lợi ích chung về an ninh, ổn định và thịnh vượng cho khu vực mà hai bên chia sẻ có ý nghĩa lớn đối với các nỗ lực của Mỹ trong quá trình tái thiết Afghanistan.
Tuy nhiên, việc hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ - Pakistan mới là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Thực tế là trong vài năm qua, quan hệ giữa hai đồng minh này đã nhiều lần rạn nứt. Đáng kể nhất là vụ đặc nhiệm Mỹ bí mật tấn công tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden tại Abbottabad hồi tháng 5-2011, hành động khiến Islamabad phản ứng mạnh mẽ với cáo buộc Mỹ đã vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan. Thời gian gần đây, vấn đề nổi cộm cản trở nỗ lực thiết lập lại các mối quan hệ là những vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ trên lãnh thổ Pakistan. Theo thống kê, từ năm 2004 đến năm 2013, các vụ tấn công đã làm 3.460 người chết, trong đó có ít nhất 890 dân thường. Đầu tháng 11 vừa qua, một hành động tương tự của Mỹ nhằm tiêu diệt Hakimullah Mehsud, thủ lĩnh cấp cao của Taliban tại Pakistan lại một lần nữa làm quan hệ hai nước thêm căng thẳng. Không chỉ "lời qua tiếng lại", Pakistan thậm chí đã nhiều lần dọa đóng cửa tuyến đường tiếp tế hậu cần qua biên giới Pakistan cho lính Mỹ và binh lính NATO tại Afghanistan.
Trong khi Tổng thống Barack Obama lên tiếng bảo vệ chương trình sử dụng máy bay không người lái như một chiến thuật hiệu quả nhằm tiễu trừ các phần tử khủng bố thì Pakistan lại cho rằng, các cuộc tấn công này phải dừng lại. Tuần trước, các cuộc biểu tình của người dân Pakistan tại một cửa khẩu biên giới nhằm phản đối chương trình sử dụng máy bay do thám không người lái đã buộc Mỹ phải ngừng các chuyến hàng qua cửa khẩu Torkham vì lý do an ninh. Các nhà phân tích cho rằng, việc sử dụng vũ khí tối tân này trên lãnh thổ Pakistan không phải là một giải pháp tối thượng. Thậm chí, nếu không giải tỏa được căng thẳng, Mỹ có thể mắc phải sai lầm đó là mất đi sự ủng hộ của dân chúng Pakistan trong cuộc chiến chống phiến quân Taliban.
Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, cả Mỹ và Pakistan sẽ sớm vượt qua giai đoạn "nhạy cảm" này bởi giữa Washington và Islamabad tồn tại nhiều mối ràng buộc. Về phía Islamabad, đó là các khoản viện trợ quân sự và kinh tế mạnh mẽ từ Washington. Pakistan cần đến sự trợ giúp của nước ngoài để khắc phục những khó khăn tài chính cũng như để giải quyết vấn đề khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Và Mỹ là sự lựa chọn không thể tốt hơn. Trong 10 năm thực thi sứ mệnh chống khủng bố trên đất Pakistan, Washington đã viện trợ cho Islamabad khoảng 20 tỷ USD bao gồm khí tài quân sự và hỗ trợ kinh tế. Đổi lại sẽ là sự hợp tác của Pakistan để Mỹ có thể thoái lui êm thấm ra khỏi "vũng lầy" Afghanistan vào năm tới. Hơn thế, Washington còn muốn Pakistan dùng ảnh hưởng của họ đối với Taliban ở Afghanistan để buộc lực lượng này chấm dứt bạo động và tham gia tiến trình hòa giải chính trị. Nói cách khác, Islamabad là chìa khóa giúp Mỹ kiềm chế sự nổi lên của các phần tử Taliban.
Mối quan hệ "có đi có lại" như vậy đòi hỏi những ý tưởng mới từ giới chức của cả hai phía để có thể duy trì, củng cố sự tương hỗ lợi ích này. Và chuyến thăm Pakistan của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel được chờ đợi sẽ cải thiện một trong các mối quan hệ phức tạp nhất của Washington tại khu vực, nơi mà hai nước có sự đồng thuận với nhau về các nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố song vẫn còn rất nhiều khác biệt về phương cách đối phó với các nguy cơ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.