(HNMO) - Chiều 26-10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dành nhiều thời gian giải trình về một trong những vấn đề được nhiều đại biểu, nhân dân và cử tri quan tâm là đổi mới thi cử.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. |
Đầu phát biểu, Bộ trưởng nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo liên quan đến mọi người, mọi nhà. Trong đó có những vấn đề đã nhận thức ra nhưng khắc phục cần có thời gian và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân.
Những "Đồi Ngô", "Phú Xuyên"... đã giảm nhiều
Nghị quyết 29-NQ/TƯ năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT quy định rõ mục tiêu của việc đổi mới tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, ít tốn kém cho xã hội và trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh và làm cơ sở để xét tuyển cao đẳng, đại học (CĐ-ĐH) trong cả nước. Chính phủ cũng có Nghị quyết 44-NQ/CP năm 2014 với yêu cầu đổi mới hình thức, phương pháp thi cử, tiến tới một kỳ thi đáp ứng được tất cả những yêu cầu mà Nghị quyết 29-NQ/TƯ đã đặt ra.
"Cho đến nay, chúng tôi thực hiện đúng chủ trương này, và đặt ra lộ trình trong 6 năm (từ 2015-2020) sẽ tổ chức thi theo hướng một kỳ thi, vừa đánh giá được năng lực học sinh tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở cho các trường CĐ-ĐH xét tuyển. Đây là kỳ thi đã cân nhắc rất nhiều phương án" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Ông cũng đánh giá, qua các năm thực hiện kỳ thi "2 trong 1", mục tiêu đặt ra là giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội đã được chứng minh rõ. Nhiều người dân, học sinh đón nhận phương án thi này. Về tính khách quan, trung thực, việc đổi mới thi qua hình thức trắc nghiệm cũng đã khá rõ. Tỷ lệ quay cóp giảm nhiều so với trước kia. Những "Đồi Ngô", "Phú Xuyên"... đã giảm rất nhiều.
Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng cần phải chỉ rõ bộ phận, cá nhân chịu trách nhiệm cho những sai phạm được phát hiện trong thi cử, qua đó đề ra biện pháp khắc phục hậu quả, lấy lại lòng tin của người dân. |
Kiên định đổi mới thi cử
"Thi cử phải trung thực nhưng theo chúng tôi quan sát, kỳ thi nào cũng có vi phạm về độ trung thực. Vấn đề là khắc phục đến mức tối đa. Năm vừa rồi bộc lộ rõ về độ không trung thực và chúng tôi có xử lý" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập đến hàng loạt sai phạm được phát hiện trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng một lần nữa nêu quan điểm xử lý những sai phạm trên là "làm đến nơi đến chốn, rõ ràng, nghiêm minh, và Bộ Công an đã phối hợp làm rõ những đối tượng, sai đến đâu xử đến đó. Hiện nay, đã phát hiện, xử lý chính thức 11 người theo đúng pháp luật và xác định 151 thí sinh vi phạm quy chế thi, tới đây sẽ tiếp tục làm rõ.
Bộ trưởng phát biểu: "Tinh thần sai là sửa và sửa nghiêm theo đúng quy chế. Bộ GD-ĐT cũng như cá nhân tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực".
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát lại toàn bộ quy trình về thi và chấm thi, cũng như rút kinh nghiệm qua thực tiễn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ kiên định định hướng đổi mới về kỳ thi theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ đã đặt ra, đặc biệt là mục tiêu ra đề thi bám sát trình độ, kiến thức phổ thông và có sự phân hoá cần thiết để làm cơ sở cho các trường CĐ- ĐH xét tuyển.
Trước phản ánh của cử tri và dư luận cũng như nhiều ĐBQH về nhiều loại sách giáo khoa không thể sử dụng nhiều lần, gây lãng phí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đã có những hạn chế trong công tác hướng dẫn cho các giáo viên và học sinh các lớp 1,2 khi làm các bài tập có ô điền vẽ, nối đuôi, tô màu... Tới đây, khi ban hành chương trình mới cùng SGK phổ thông, Bộ sẽ khắc phục những hạn chế trên bằng cách thiết kế ở mức nhất định những dạng bài tập có thể tô vẽ trực tiếp vào sách, gây tốn kém và lãng phí. Trước nhiều ý kiến ĐBQH phản ánh về những bất cập, thiếu hụt biên chế giáo viên, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tha thiết đề nghị chính quyền địa phương ưu tiên bố trí giáo viên, không giảm biên chế một cách cơ học. Đặc biệt ở các vùng miền khó khăn không được dồn dịch cơ học, đưa học sinh vào học tại những khu không bảo đảm điều kiện dẫn đến học sinh bỏ học vì xa nhà. Bộ trưởng cũng mong muốn Bộ Nội vụ cùng tham mưu để bảo đảm các chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên. "Bộ GD-ĐT không thể chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên nếu thiếu 2 điều kiện quan trọng là biên chế giáo viên đúng theo định mức, chế độ chính sách và trường lớp, cơ sở vật chất" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.