(HNM) - Trước phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tuần vừa qua, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cao Sĩ Kiêm đã có đánh giá khá thẳng thắn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng.
Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội, ĐB Cao Sĩ Kiêm đã góp ý rằng: "Bộ trưởng Đinh La Thăng phải ngồi ở nhà nhiều hơn chứ không nên chạy ra đường giải quyết mấy vụ việc vụn vặt. Tác phong của bộ trưởng như vậy là rất tốt, nhưng vị trí bộ trưởng không phải ở chỗ ấy, mà có thể thông qua bộ máy, thông qua cấp phó hay đốc thúc cấp dưới làm".
Câu chuyện "bộ trưởng nên ở văn phòng hay đi ra đường" lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Trước hết, phải nói rằng trong số các "tư lệnh ngành" nhiệm kỳ này thì Bộ trưởng Bộ GT-VT là người có nhiều phát ngôn, hành động "gây ấn tượng" cả hai phía: Khen - chê. Không chỉ quyết liệt qua lời nói, Bộ trưởng Thăng còn xông xáo, sâu sát thực tế. Sau khi nhậm chức, ông đã "tổng tấn công" vào tất cả các lĩnh vực còn tồn tại nhiều yếu kém, trì trệ, chậm đổi mới của ngành GT-VT như đường bộ, đường sắt, hàng không... Ông thường xuyên đi các công trường, dự án xây dựng hạ tầng giao thông, trực tiếp tìm hiểu, đốc thúc chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng; không ít trường hợp vướng mắc ông đã vận dụng cơ chế, chính sách để quyết luôn tại chỗ. Ông phê bình "vỗ mặt" chủ đầu tư làm ăn bết bát, rồi mạnh tay thải loại nhà thầu yếu kém, mạnh tay "trảm tướng"...
Phải khẳng định rằng, chính sự quyết liệt, tác phong làm việc sâu sát thực tế của Bộ trưởng Thăng đã thổi luồng gió mới vào ngành GT-VT, ít nhiều đem lại sự chuyển biến tích cực. Sau nhiều năm thi công "rùa bò", nhiều công trình đã khởi sắc, về đích đúng hẹn, thậm chí vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng. Ùn tắc, tai nạn giao thông chỗ này chỗ kia giảm đáng kể. Đặc biệt, quyết định thi tuyển lãnh đạo của Bộ GT-VT đã tạo sắc thái mới trong công tác nhân sự, hướng tới mục tiêu xây dựng một đội ngũ cán bộ thực tài... Dẫu còn không ít khiếm khuyết nhưng "cỗ máy" GT-VT đã bớt ì ạch, vận hành ít nhiều trơn tru, minh bạch, rõ trách nhiệm hơn.
Công bằng mà nói thì góp ý của ĐB Cao Sĩ Kiêm không phải không có lý. Là chính khách, nhất lại là Bộ trưởng thì nhiệm vụ đầu tiên, trên hết là phải phát huy trí tuệ để tham mưu cho Chính phủ, hoạch định những chính sách vĩ mô, mang tính chiến lược, định hướng lâu dài. Bên cạnh đó, người lãnh đạo cần tổ chức, sắp xếp bộ máy; quản lý, sử dụng bộ máy sao cho hiệu quả. Công việc xử lý các sự vụ cụ thể nên giao cho cấp dưới, tránh tình trạng lãnh đạo "ôm tất", dẫn đến việc cấp dưới ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm, lúng túng, thụ động trong giải quyết công việc.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn diện và đặt trong bối cảnh hiện nay thì cũng cần có cái nhìn khách quan hơn, phù hợp hơn về "hiện tượng" Bộ trưởng Thăng. Chính sách trước hết phải xuất phát từ thực tiễn để điều chỉnh các phát sinh mà thực tiễn đặt ra. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Lý luận mà không liên hệ thực tiễn thì là lý luận suông", nếu người lãnh đạo chỉ ngồi bàn giấy, nghe báo cáo, "chỉ tay năm ngón" thì dễ rơi vào quan liêu, giáo điều, thiếu thực tế, hậu quả là sẽ "vẽ" ra nhiều chính sách "trên trời", không khả thi. Đơn cử như mới đây, giới chủ trang trại chăn nuôi đã bày tỏ bức xúc trước một "giấy phép con" của ngành nông nghiệp ban hành, trong đó quy định nước thải của trang trại chăn nuôi phải đạt tiêu chuẩn A+ (tức là... uống được!). Tương tự như vậy, gần đây không ít chính sách vĩ mô ở nước ta vừa ra đời đã cần phải sửa chữa, bổ sung ngay chỉ vì thiếu hơi thở cuộc sống.
"Bộ trưởng nên ở văn phòng hay đi ra đường" liên quan đến vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác cán bộ.
Về mặt lý thuyết, như đã nói, lý luận được hình thành từ sự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, hay nói cách khác, lý luận chính là sự khái quát những kinh nghiệm thực tiễn, tác động trở lại để định hướng cho thực tiễn, lý giải những vấn đề bức xúc, những đòi hỏi phát sinh từ thực tiễn đặt ra. Vì vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đảng, Nhà nước ta vẫn đang kế thừa, vận dụng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công chức là phải vừa nắm vững lý luận, vừa sâu sát thực tiễn; chọn cán bộ lãnh đạo phải ưu tiên người kinh qua thực tiễn. Yêu cầu đặt ra đối với mọi cán bộ lãnh đạo là để có được lý luận thì phải có thực tiễn, phải bám sát thực tế ở cơ sở, gần gũi nhân dân. Bởi thực tiễn luôn vận động và thay đổi không ngừng nên nếu không sâu sát thực tế thì không thể nắm được tình hình, không thể có kinh nghiệm thực tiễn để hình thành lý luận, từ đó xây dựng cơ chế chính sách phù hợp. Rõ ràng nguyên tắc là như vậy. Là cán bộ thì phải sâu sát thực tế, gần gũi cơ sở, gần gũi nhân dân.
Về những ý kiến đồng tình với ý kiến của ĐB Cao Sĩ Kiêm cũng là chuyện bình thường và cũng có lý riêng. Tuy nhiên, cái sự gây "sốc" về hình ảnh Bộ trưởng Thăng có phần lỗi do sự thái quá của truyền thông. Những động thái quyết liệt, dám làm của Bộ trưởng Thăng được xem như một nhân tố mới, đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, trong đó có giới truyền thông. Thế nên, việc truyền thông quá chú ý tới các chuyến đi của ông Thăng, đưa tin, hình ảnh, bình luận nhiều khi thái quá, đến mức thừa sự cần thiết, đã gây hiểu lầm rằng Bộ trưởng Bộ GT-VT chỉ "giỏi đi công trường", không làm được việc ở tầm vĩ mô, chiến lược...
Việc nhiều ý kiến tán thành việc ông Thăng nên đi "ra ngoài" (đi thực tế) cũng dễ hiểu, bởi hiện nay cũng như sau này xã hội luôn cần những người lãnh đạo vừa có khả năng quản lý vĩ mô vừa có khả năng xử lý cụ thể từ thực tiễn. Ở cấp trung ương hay ở các bộ, ngành, tỉnh, thành đều cần những người như vậy. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 19-11 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã bày tỏ sự tán thành quan điểm cán bộ cần sâu sát thực tế. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "Trong điều kiện hiện nay, với bộ máy, cán bộ như bây giờ, ngồi ở nhà cũng cần, nhưng không cần bằng ra hiện trường".
Có thể thấy là trong bối cảnh đất nước hiện vẫn đang trong thời kỳ quá độ, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, bộ máy hành chính nhà nước còn nhiều khiếm khuyết, trì trệ, yêu cầu tăng cường đi thực tế cơ sở cần phải được xem là một nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với công tác cán bộ, nhất là đối với lãnh đạo các cấp, ngành. Rõ ràng, nếu cán bộ lãnh đạo chỉ ngồi nhà thì làm sao hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nếu lãnh đạo chỉ ngồi nhà, không sâu sát thực tế sẽ không thể thấy được những bất cập, vướng mắc phát sinh để kịp thời xử lý, kiểu như vụ "dân phải bắc thang mới vào được nhà"...
Yêu cầu cán bộ phải sâu sát thực tế cũng chính là một nội dung quan trọng trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh, đó là phong cách làm việc quần chúng và phong cách làm việc khoa học, thể hiện cụ thể ở những điểm sau: Sâu sát quần chúng, chú ý tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, quan tâm đến mọi mặt đời sống của người dân; làm việc cần phải "đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu" nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể; làm việc phải kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng; phải thường xuyên chú ý rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn...
Đó là một quan điểm luôn luôn đúng về cách đánh giá, đào tạo cán bộ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.