(HNMO) - Chiều 3-11, trước nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về chương trình sách giáo khoa lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình, làm rõ về vấn đề này.
Nêu những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định) đề nghị cần triển khai ngay 3 biện pháp để giảm hậu quả. Đầu tiên là không đánh đồng, quy kết tất cả các bộ sách giáo khoa lớp 1 đều “có vấn đề”, cần phải làm rõ có hay không tình trạng sai sót? Nếu có thì sai ở đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào? Trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai?
“Quan điểm của tôi là sách giáo khoa sai, bắt buộc phải sửa và không thể để một thế hệ của chúng ta học sách giáo khoa sai sót”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh.
Tranh luận về ý kiến của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục đã hết sức cố gắng nhưng có một số thiếu sót. “Nhưng đây không phải sai sót ở mức độ nghiêm trọng. Một số thiếu sót ở một vài ngữ liệu phục vụ cho việc học âm vần chưa thật phù hợp, chứ không phải tới mức nghiêm trọng, sai sót tới mức cần phải chuyển cơ quan điều tra, hình sự hóa việc sai sót này”, đại biểu Bùi Văn Phương nói.
Giải trình, làm rõ về vấn đề sách giáo khoa lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo tất cả nhà xuất bản các bộ sách đều phải rà soát lại việc biên soạn, xuất bản sách. Sách giáo khoa cũng sẽ được chỉnh sửa, bổ sung thường xuyên và sau 1 năm ban hành, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của người dạy và học, Bộ sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện sách giáo khoa.
Về ý kiến cho rằng giá thành sách giáo khoa lớp 1 còn cao, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ sách được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không được trợ cấp về biên soạn nên chi phí biên soạn cũng được tính trong giá thành sách. Bên cạnh đó, sách giáo khoa có số trang dài hơn, chất lượng tốt hơn, màu tốt hơn, vì thế giá thành cao hơn.
“Chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng được Nhà nước định giá, bình ổn giá”, Bộ trưởng nói.
Về thông tin học sinh bị ép mua sách tham khảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số nhà trường chưa thực hiện nghiêm vấn đề này và Bộ đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức thanh tra, chấn chỉnh và tiếp tục hoàn thiện chế tài theo hướng quản lý chặt sách tham khảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.