(HNMO) - Sáng 7-11, trong ngày chất vấn thứ hai tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vấn đề liên quan tới phòng, chống gian lận thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa...
Nguyên nhân chưa đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) về việc chưa đạt mục tiêu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, điểm xuất phát của Việt Nam thấp và thực tế đi chậm hơn so với các nước trong khu vực từ 2 đến 3 thế hệ của công nghệ trong công nghiệp hóa. Nước ta cũng chưa thiết lập được hệ sinh thái khởi nghiệp; sự quan tâm chung của xã hội dành cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp và sản xuất vật chất còn hạn chế. Cơ chế, khung chính sách để tiếp tục tạo dựng hệ sinh thái này cũng chưa đủ mạnh để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Công nghiệp hóa đòi hỏi vốn đầu tư và trình độ công nghệ ở mức cao nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa có điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi.
Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do chưa thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng còn chậm trễ, thụ động...
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp nhằm phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng, đóng tàu...; khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do; tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước...
Về vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã có nhiều đề án đạt kết quả tích cực như: Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025, chương trình khuyến nông quốc gia đến năm 2020, các dự án bảo đảm an toàn thực phẩm... Bên cạnh đó, Bộ còn lồng ghép nhiều chương trình, đề án khác để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và năng lực hội nhập quốc tế.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thời gian tới cần có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các ngành Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư... để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Tăng cường năng lực của các cửa khẩu trong mùa cao điểm
Về vấn đề xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, rau quả, trái cây là ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại nhiều thị trường như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản..., nhưng phần lớn sản phẩm xuất khẩu đều là sản phẩm thô, chưa qua chế biến nên khó bảo đảm sự ổn định của thị trường; khâu tổ chức sản xuất còn thủ công, đơn giản, chủ yếu là tự phát.
Với thị trường Trung Quốc, theo Bộ trưởng, để thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, cần tăng cường năng lực của các cửa khẩu trong mùa cao điểm để tránh tình trạng ách tắc, ùn ứ trong thông quan. Điểm thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh và các cửa khẩu quốc tế khác có năng lực thông quan khoảng 200 xe/ngày, nhưng vào mùa cao điểm, số lượng xe cần thông quan có thể lên tới 500-600 xe/ngày. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu cao và mới của nước đối tác liên quan tới truy xuất nguồn gốc, đóng gói, bao bì... nên đã khiến thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng các ấn phẩm hướng dẫn cụ thể cách tiếp cận thị trường xuất khẩu, giúp các địa phương, doanh nghiệp chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, bảo đảm truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đóng gói bao bì sản phẩm để phát triển bền vững.
Cũng liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc ban hành tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước là rất quan trọng, đặc biệt là với các sản phẩm nông nghiệp. Các nội dung liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký luôn bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước; hướng tới giữ lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu các ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh.
“Nếu không nghiên cứu ban hành sớm hệ thống hàng rào kỹ thuật trong nông sản và các sản phẩm chế biến thì việc tiêu thụ những sản phẩm này ngay tại thị trường trong nước sẽ vấp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các sản phẩm, hàng hóa của những nền kinh tế phát triển, có năng lực cạnh tranh cao hơn như Australia, Newzealand, Canada”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại
Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng gia tăng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, lực lượng quản lý thị trường vẫn đang trong quá trình tinh giản bộ máy, tập trung cải cách hành chính và số lượng cán bộ đã tinh giản đáng kể, hoạt động chủ động theo cơ chế mới, xác định rõ trách nhiệm và sự nêu gương của người đứng đầu trong phối hợp với Ban Chỉ đạo 389, các lực lượng: Công an kinh tế, hải quan, biên phòng... trong kiểm soát tình trạng xuất nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát vận chuyển và quản lý thị trường hiệu quả, đánh trúng và ngăn chặn hàng loạt đường dây buôn lậu có tổ chức, bước đầu đã thu được nhiều kết quả đang ghi nhận.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng kém chất lượng có xu hướng ngày càng phức tạp, nhất là trong bối cảnh hội nhập.
Bộ Công Thương nhận trách nhiệm và thấy rõ, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa bản lĩnh chính trị, chất lượng chuyên môn của lực lượng quản lý thị trường trong thực thi nhiệm vụ, cụ thể là trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát buôn luận, gian lận thương mại, hạn chế vi phạm, nhất là tình trạng tiếp tay, bỏ lọt vi phạm...
Bộ Công Thương đã ban hành 2 thông tư về vấn đề quản lý thị trường để tăng cường trách nhiệm của cán bộ thực thi nhiệm vụ trực tiếp; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để đấu tranh hiệu quả với các đối tượng vi phạm, nhất là tại các khu vực liên vùng, liên ngành, giáp ranh, địa bàn trọng điểm tại các địa phương, nhằm triệt phá tối đa các đường dây tội phạm buôn lậu; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về các quy định của pháp luật liên quan đến chống buôn lậu, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn nữa các cơ chế phối hợp liên ngành thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi, 9 đại biểu tham gia tranh luận. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung cần chất vấn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời rõ ràng, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với các vấn đề trong lĩnh vực mình phụ trách. Để tạo chuyển biến, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu, triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.