(HNMO) - Theo Bộ Tài chính, Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chậm được ban hành do liên quan đến nhiều pháp luật khác nhau.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018, trong đó quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT).
Tuy nhiên, luật này mới chỉ quy định các vấn đề có tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể thẩm quyền quyết định xử lý tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, trình tự thực hiện thanh toán, hạch toán nhà nước.
Chính vì vậy, mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn một số nội dung liên quan đến chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó nhấn mạnh, kể từ ngày 1-1-2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản-Bộ Tài chính thông tin về việc xử lý "khoảng trống pháp lý" trong sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. |
Tại buổi họp báo chuyên đề về việc xử lý “khoảng trống pháp lý” trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT diễn ra chiều ngày 5-10, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chậm ra Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản-Bộ Tài chính cho hay, ngay trong quá trình xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Sau khi Thủ tướng có Quyết định 1357/QĐ-TTg ngày 13-9-2017 về danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ dự thảo Nghị định này.
Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rất tích cực, khẩn trương soạn thảo, thẩm định, trình dự thảo Nghị định. Nghị định được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Tại phiên họp tháng 8-2018, Chính phủ cũng đưa dự thảo nghị định này ra bàn. Sau phiên họp, Chính phủ giao các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện về nhiều nội dung, cả về đầu tư, sử dụng tài sản công.
“Đây là nghị định rất khó, liên quan đến nhiều pháp luật khác nhau như pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, xây dựng, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán như thế nào nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài sản... Vì vậy, Chính phủ rất thận trọng trong hoàn thiện Nghị định trước khi ban hành”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản nói.
Ông Nguyễn Tân Thịnh cũng cho biết thêm, khi dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa được Chính phủ ký ban hành, Bộ Tài chính đã nhận thấy, từ ngày 1-1-2018 sẽ xuất hiện "khoảng trống pháp lý" trên. Vì vậy, trong thời gian chờ nghị định này được ban hành, ngày 24-9-2018, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý “khoảng trống pháp lý” kể từ ngày 1-1-2018 (thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành) theo nguyên tắc đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, mục tiêu là không làm ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án đã ký kết hợp đồng BT.
Bộ Tài chính đề xuất quy định về trình tự thủ tục thực hiện việc sử dụng tài sản để thanh toán; quy định thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT áp dụng cho từng thời kỳ; hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản để thanh toán cho các nhà đầu tư, trong đó nhấn mạnh giá trị tài sản công, gồm cả giá trị quyền sử dụng đất, phải được xác định theo giá thị trường để tránh thất thoát tài sản Nhà nước (đối với đất, chỉ áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần mà không áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hằng năm); việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.