Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Cần thiết khởi động lại dự án BT

Trọng Ngôn| 12/06/2023 07:23

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được Trung ương cho phép thí điểm triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), vốn trước đó đã tạm dừng trong nhiều năm. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp thành phố khơi thông thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Cầu Sài Gòn 2 (thành phố Hồ Chí Minh) được đầu tư theo hợp đồng BT đang phát huy hiệu quả.

Nhiều dự án BT dang dở

Trong những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, như: Dự án xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ, dự án xây dựng đường D3 kết nối vào Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Ngoài ra, thành phố còn đầu tư các dự án hợp đồng BT thanh toán bằng tiền, như các cầu: Kênh Tẻ 2, Ông Lãnh, Văn Thánh 2, Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn 2. Các dự án này đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển. Tuy nhiên, thành phố cũng đang tồn tại một số dự án BT còn dang dở. Nổi bật là dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), có vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng; dự án đường Vành đai 2…

Hiện nhu cầu đầu tư hạ tầng đô thị, giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Thành phố đang tiến hành nghiên cứu triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, như: Dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; dự án mở rộng đường dẫn cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; dự án cầu Cần Giờ… Theo các chuyên gia, nếu chỉ đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước thì phải chờ đợi rất lâu vì hiện nguồn lực chưa đủ. Trong khi đó, nếu các dự án trên chậm thực hiện sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, phương thức đầu tư theo hợp đồng BT rất thích hợp để góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị của thành phố Hồ Chí Minh. Đồng tình với nhận định này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh, hình thức đầu tư theo hợp đồng BT là cần thiết tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội, cùng Nhà nước hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cũng theo ông Trương Minh Huy Vũ, để khởi động lại các dự án BT trước đó bị dừng và đầu tư các dự án BT mới thì chính quyền thành phố phải thể hiện được tinh thần nghiêm túc, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Chặt chẽ trong khâu thực hiện

Nhận định về việc phục hồi các dự án đầu tư theo hợp đồng BT, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần nghiên cứu cách làm mới, như khi đầu tư xây dựng một tuyến đường thì tiến hành giải phóng mặt bằng quỹ đất hai bên để nhà đầu tư khai thác trong thời hạn nhất định. Khi đó, thành phố không cần tìm quỹ đất ở nơi khác để thanh toán cho nhà đầu tư, mà khai thác quỹ đất sẵn có ngay tại dự án, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư.

Còn theo Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý thành phố Hồ Chí Minh, ngoài hình thức thanh toán bằng quỹ đất, cơ chế mới về đầu tư theo hình thức BT mà thành phố Hồ Chí Minh đề xuất là thí điểm thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước. Điều này sẽ tránh được những tồn tại trước đây là khó khăn trong việc thẩm định giá đất, dễ gây thất thoát tài nguyên đất đai. Tiến sĩ Trần Quang Thắng cho rằng, dù thanh toán theo hình thức nào cũng phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, thu hút được nhà đầu tư trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nhiều dự án BT được thành phố triển khai trong các giai đoạn trước đã góp phần phát huy hiệu quả thu hút nguồn lực tư nhân, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Nói về các cơ chế, chính sách mới này, người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giá trị cốt lõi là khơi thông nguồn lực cho thành phố phát triển, trong đó ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông và khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...

“Chính sách mới sẽ có một số điều kiện chặt chẽ về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình…, được các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo trên tinh thần hết sức cẩn trọng, xác lập rõ trách nhiệm, quy trình và các điều kiện cần thiết để áp dụng hiệu quả nội dung cơ chế, chính sách. Mục tiêu cuối cùng là làm sao huy động được các nguồn lực xã hội, từ “vốn mồi” là các cơ chế thông thoáng, nhất quán, minh bạch của Nhà nước”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Như vậy, việc tiếp tục thực hiện thí điểm các dự án BT sẽ góp phần giúp thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Cần thiết khởi động lại dự án BT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.