Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Tài chính đề nghị xóa 26.500 tỷ đồng tiền nợ thuế các loại

Hương Thủy| 02/03/2018 10:31

(HNMO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi...


Số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt tồn đọng còn lớn

Bộ Tài chính cho biết, số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt tồn đọng của nhiều năm đến nay còn lớn. Tính đến ngày 31-12-2017, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, giảm 2.108 tỷ đồng (tương ứng 2,8%) so với thời điểm đến ngày 31-12-2016. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 26.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5% tổng số tiền thuế nợ; tiền phạt và tiền chậm nộp là 15.674 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,4% tổng số tiền thuế nợ; tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh không có khả năng thu hồi là 31.469 tỷ đồng (tiền thuế nợ gốc là 19.196 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là 12.273 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, chiếm khoảng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.

Cũng tính đến thời điểm trên, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành Hải quan quản lý là 5.474 tỷ đồng, tăng 23,5% so với thời điểm 31-12-2016. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.305 tỷ đồng; tiền thuế nợ chờ xử lý là 291,13 tỷ đồng; tiền thuế nợ không có khả năng thu là 3.878 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71% tổng nợ của toàn ngành Hải quan quản lý.

Như vậy, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31-12-2017 của các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan do cơ quan thuế và cơ quan Hải quan quản lý khoảng 35.347 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,75% tổng số thu thuế, phí, lệ phí năm 2017 và chiếm gần 44,9% tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31-12-2017 là 78.619 tỷ đồng.

Số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt tồn đọng còn lớn. (ảnh minh họa: Internet)


Theo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân dân đến tình trạng nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Trong đó, người nộp thuế kinh doanh thua lỗ, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, phải hoạt động cầm chừng, tạm ngừng hoạt động hoặc thậm chí giải thể, phá sản nhưng không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản. Số nợ thuế đã phát sinh từ trước thời điểm mất khả năng thanh toán, ngừng kinh doanh (mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu hồi được tiền thuế nợ) liên tục tăng thêm do phát sinh tiền chậm nộp thuế (tính 0,05%/ngày, khoảng 18,3%/năm) trong khi người nộp thuế đã ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản; người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời.

Chưa kể, theo quy định, người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp thuế thì thuộc trường hợp được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, quy định phải có văn bản xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi người bị tuyên bố chết, mất tích cư trú về việc người chết, mất tích không có tài sản nhưng thực tế triển khai thực hiện gặp khó khăn vướng mắc…

Những đối tượng nào có thể được xóa nợ?

Vì vậy, cơ quan quản lý này đề nghị xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan do thực hiện cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn chi từ NSNN nhưng chưa được thanh toán (bao gồm cả nhà thầu phụ). Theo đó, số tiền chậm nộp đề nghị xóa tính đến 31-12-2015 là 542,525 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-1-2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng. Mức xóa tiền chậm nộp thuế, không vượt quá giá trị thiệt hại.

Các trường hợp khó khăn bất khả kháng bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước chậm trả lời, chậm thông báo, thay đổi quy hoạch/kế hoạch làm ảnh hướng đến kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; NSNN chậm thanh toán; doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu chưa thực hiện giảm vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp; đối tác trong nước hoặc người ngoài phá sản; những trường hợp theo quy định của pháp luật về dân sự. Tổng số nợ tiền chậm nộp do những nguyên nhân khách quan trên tính đến thời điểm 31-12-2017 ước khoảng 1.700 tỷ đồng.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1-1-2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nêu trên, cơ quan quản lý thuế phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính và các sở chuyên ngành tổ chức kiểm tra tình hình thực tế không còn khả năng nộp ngân sách của doanh nghiệp (tài khoản ngân hàng; tài sản; công nợ; thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh...) và lập hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Về thẩm quyền xử lý, Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã ngừng kinh doanh trước ngày 1-1-2017. Việc tổ chức thực hiện do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xóa nợ trên cơ sở đề nghị của cơ quan quản lý thuế sau khi phối hợp với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, UBND cấp xã, phường và Hội đồng tư vấn thuế xã, phường nơi có địa chỉ đăng ký kinh doanh xác minh hộ, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động kinh doanh ở địa chỉ kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.

Số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1-1-2017 là 24.302 tỷ đồng; trong đó của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức khoảng 22.299 tỷ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh là 2.003 tỷ đồng. Như vậy, với các đề xuất xử lý xóa nợ trên thì tổng hợp lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) từ ngày 1-1-2018 đối với người nộp thuế nợ tiền thuế đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh quá 1 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Thời gian không tính tiền chậm nộp tính từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Cơ quan quản lý thuế thực hiện tính tiền chậm nộp và thu vào ngân sách đối với khoản tiền chậm nộp trên khi người nộp thuế quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính đề nghị xóa 26.500 tỷ đồng tiền nợ thuế các loại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.