Chưa khi nào, môi trường trường học lại có nhiều hiện tượng ứng xử lệch chuẩn như hiện nay. Trò đánh thầy, thầy bắt trò uống nước giặt giẻ lau, phụ huynh học sinh bắt thầy cô quỳ xin lỗi… đã không còn là những trường hợp cá biệt.
“Trống” kỹ năng sống cả thầy và trò
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học do Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì là một trong những biện pháp nhằm lấy lại quy chuẩn văn hóa trong trường học. Tại cuộc họp với nhóm nghiên cứu xây dựng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học sẽ được ra mắt sớm trước khi bắt đầu năm học mới 2018-2019.
Đổi mới phương pháp dạy và học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và hoạt động giáo dục khác sẽ giúp cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Mới đây nhất, Bộ GD-ĐT công bố đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 chuẩn bị trình Chính phủ để lấy ý kiến rộng khắp khẳng định tính cấp thiết của vấn đề này.
Trong cả đề án và ở cả cuộc họp nhóm nghiên cứu, các thành viên nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới một số vấn đề về văn hóa ứng xử trong trường học gây bức xúc trong xã hội thời gian qua.
Mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục. Đối với học sinh, những biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống như vô lễ với cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; thiếu trung thực, trách nhiệm với bản thân, gia đình nhà trường. Nhiều trường hợp học sinh thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh.
Không chỉ có xu hướng đề cao các giá trị vật chất, thực dụng, một số học sinh sớm sa vào nghiện trò chơi điện tử, có hành vi bạo lực và hành xử thiếu văn hóa.
Ngay cả với các thầy cô giáo, “khoảng trống” về kỹ năng sống đã khiến một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động “tiêu cực” từ bên ngoài xã hội. Trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để “trống” mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn… là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận việc đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một bộ phận giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy và chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho người học.
Mối quan hệ giữa nhà trường - học sinh - gia đình trở nên lỏng lẻo trong khi đây lại được xem là mấu chốt để mang lại hiệu quả tích cực cho quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Làm sao để sẽ cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”?
“Đừng quy định chung chung kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ… Có như vậy, mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá được” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu bật yêu cầu về “dáng vóc” của Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông mà theo ông là sẽ được ban hành trước năm học mới 2018-2019.
Theo nội dung trong Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, mục tiêu là đến năm 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học kể trên; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử.
Đạt 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh Niên, Hội sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao và có năng lực tốt, mẫu mực trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
Cũng theo đề án, Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với lứa tuổi và các cấp học bao gồm cả mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, đại học.
Ngay sau khi được ban hành, Bộ quy tắc ứng xử văn hóa sẽ được niêm yết tại bảng tin, bảng thông báo, website nhà trường, trong phòng học và cả các phòng làm việc của nhà trường.
Nhưng quan trọng hơn cả là việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
Khi ấy, chương trình giáo dục phổ thông mới với việc tăng thời lượng dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác được xây dựng chú ý đến thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn văn hóa ứng xử trong trường đóng vai trò làm cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.
Những lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử đang làm dư luận “nóng” mỗi ngày. Một bộ quy tắc ứng xử trong trường học là cần thiết để định hướng đi đúng cho mối quan hệ nhà trường - học sinh - gia đình. Tuy nhiên, để đưa Bộ quy chuẩn ấy vào thực tế, trở thành “cẩm nang sống” của mỗi người tham gia vào môi trường trường học vẫn còn là một chặng đường dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.