(HNMO) - Sáng nay (4-1), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo và chủ trì Hội nghị.
Đại biểu dự tại đầu cầu Hà Nội có đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các hội, hiệp hội, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn....
Các đại biểu dự tại Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn |
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt mức cao nhất
Đánh giá tổng thể năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Kết quả này là sự nỗ lực lớn của ngành trong bối cảnh khó khăn, thiên tai chồng chất và cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Một số kết quả nổi bật là cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh và phát huy hiệu quả. Vì vậy, sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi.
Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD (đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016); thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.
Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Năm 2017 có 1.955 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng 3,8% so với năm 2016. Số lượng trang trại, hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục tăng, hoạt động hiệu quả hơn.
Khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm hàng nông sản tiếp tục được tăng cường; phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, điển hình là các vụ bơm tạp chất vào tôm và tiêm thuốc an thần cho lợn, sử dụng hoá chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm, cả nước có 2.884 xã và 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 524 xã và 13 huyện so với năm 2016. Các nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nêu một số hạn chế, yếu kém cũng như khó khăn, vướng mắc cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như cơ cấu lại nông nghiệp chưa đạt kết quả đồng đều, vẫn còn địa phương lúng túng trong triển khai và kết quả chưa rõ ràng. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân chưa được cải thiện;
Biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, nhưng vẫn còn có sự chủ quan, thiếu quyết liệt ở một số địa phương trong công tác phòng, chống nên thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành, kết cấu hạ tầng và đời sống của người dân;
Công nghiệp chế biến chậm phát triển; công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập nên đã xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu ở một số sản phẩm như thịt lợn, dưa hấu, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ...
Năm 2018, ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8-3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37-38 tỷ USD; có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
Các nhiệm vụ và giải pháp chính tập trung thực hiện: Tiếp tục cơ cấu lại và đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; phát triển nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển cơ cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý tài nguyên; chú trọng phát triển thuỷ lợi và phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục xây dựng lực lượng, tăng cường năng lực quản lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tích cực xây dựng thể chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính...
Hà Nội: Hợp đồng tiêu thụ nông sản năm 2018 dự kiến đạt gần 100.000 tỷ đồng
Báo cáo một số kết quả của Hà Nội trong phát triển NN&PTNT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tăng trưởng nông nghiệp của thành phố năm 2017 đạt 2,1%; tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản đạt hơn 35.000 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2016. Sản lượng các loại nông sản có thị trường thuận lợi đều tăng. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. |
Thành phố đã thực hiện 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản như giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%; xây dựng và duy trì 65 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm góp phần làm tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp;
Qua việc tổ chức hai hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với 50 tỉnh, thành phố, kết hợp với tổ chức triển lãm, trưng bày, quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm, đã có 489 biên bản ghi nhớ và hợp đồng được ký kết, dự kiến tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh về Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch, tết Mậu Tuất 2018 đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2016. Đặc biệt hàng hóa dự kiến ký kết cả năm 2018 khoảng gần 100.000 tỷ đồng (chiếm trên 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn).
Đồng thời, trong năm 2017, Hà Nội đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa được 78.800 ha (đạt 103,2%); có thêm 2 huyện, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 36% kế hoạch); tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày ở khu vực nông thôn đạt 88%; công tác cấp nước sạch ở khu vực nông thôn được quan tâm, triển khai đồng bộ; đời sống bà con nông dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2016).
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng nêu một số hạn chế, khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố còn ở quy mô nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất chưa cao; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn ít; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung, hiện nay chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Năm 2018, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển sản xuất, hoàn thành kế hoạch tạo đà cho tăng trưởng nông nghiệp trong những năm tiếp theo. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp từ 2 - 3%; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo giá cố định tăng 2,7%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng 5,7%; phấn đấu có thêm 26 xã và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được những mục tiêu trên, thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển nông nghiệp để phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Triển khai thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020; tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố...
Một số ngành, địa phương còn lơ là, ít lo việc thiết thực của dân
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ biểu dương Bộ NN&PTNT, các địa phương trong cả nước và bà con nông dân, các DN, các tổ chức, cá nhân đã tham gia phát triển nông nghiệp, giúp ngành đạt được nhiều thành tích trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu sắc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Một số ưu điểm nổi bật được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là năm 2017, dù có nhiều thiên tai, lũ lụt kỷ lục nhưng ngành đã đạt và vượt những mục tiêu quan trọng, đặc biệt so với 2016 đóng góp quan trọng vào thành công của đất nước.
"Chúng ta đã đạt được con số GDP toàn ngành 2,9%, gấp trên 2 lần so với năm 2016 và đóng góp đến 0,44% vào mức tăng trưởng cả nước; đặc biệt một số lĩnh vực rất thành công như rau củ quả, lương thực, thủy sản, chế biến gỗ... Lần đầu tiên rau củ quả Việt Nam vượt mức của xuất khẩu so với dầu thô và gạo, là điều rất bất ngờ" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, những thành tích trên mới chỉ là bước đầu, trong khi ngành NN&PTNT vẫn còn có nhiều bất cập như tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ, đồng đều; vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn như đánh bắt hải sản bất hợp pháp còn xảy ra, tình trạng phá rừng tự nhiên; năng suất lao động còn thấp, tình trạng sản xuất nông nghiệp còn bị động, được mùa mất giá vẫn là nỗi lo của Quốc hội, của lãnh đạo đất nước; đời sống nông dân còn bộ phận không nhỏ những ngư dân, diêm dân, đặc biệt vùng thiên tai lũ lụt, vùng núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn vô cùng khó khăn. Hạ tầng nông nghiệp chưa được đầu tư, quan tâm thích đáng.
Lực lượng DN nông nghiệp tuy đã có sự lớn mạnh nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% trong tổng số DN cả nước. Nhiều DN có quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp; thu hút đầu tư nguồn lực vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; mô hình phát triển nông nghiệp còn chậm và lúng túng.
"Một số ngành, địa phương còn lơ là chỉ đạo nông nghiệp nông thôn. Một số tỉnh, thành coi nhẹ, chưa tập trung chỉ đạo, ít lo việc thiết thực của dân, để lòng dân không yên" - Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn phê bình. Bên cạnh bảo đảm đời sống vật chất, theo Thủ tướng, lãnh đạo các địa phương phải quan tâm đến đời sống tinh thần với các thiết chế văn hoá ở nông thôn.
Ngoài ra, an toàn thực phẩm đã có chuyển biến tiến bộ nhưng vẫn còn tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng" và chưa phổ biến việc nông dân làm gương tự bảo vệ mình, bảo vệ người tiêu dùng và xã hội.
Về phương hướng và nhiệm vụ của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngay từ đầu năm, toàn ngành tổ chức triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; thực hiện nghiêm phương châm 10 chữ đã đưa ra gồm: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Các địa phương và toàn ngành nông nghiệp phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của toàn Đảng.
Một số biện pháp trọng tâm được Thủ tướng nhấn mạnh, trong đó đề nghị toàn ngành, cả hệ thống phục vụ nông nghiệp, nông thôn quán triệt phương châm hành động, thực sự vào cuộc ở tất cả các cấp; đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, thông minh và tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn nữa.
Đặc biệt là cơ cấu giữa chăn nuôi và trồng trọt, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng và vật nuôi khác hiệu quả cao hơn. Nhân rộng các mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều doanh nghiệp và nông dân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, xây dựng các mô hình hợp tác chia sẻ kinh nghiệp, hợp tác của bà con nông dân.
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế lâm nghiệp, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đổi đất rừng sang các mục đích sử dụng khác; nâng cao năng lực sản xuất và hiệu lực hiệu quả trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; chủ động phòng chống thiên tai, phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phải đạt được mục tiêu nâng cao đời sống người dân. Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành, địa phương quan tâm, chăm lo cho người dân, đặc biệt ở các vùng gặp thiên tai đón Tết Nguyên đán 2018 đầy đủ, vui tươi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.