Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp và Môi trường và tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2025.
Theo đó, Bộ đề ra mục tiêu, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành đạt 4% trở lên, kim ngạch xuất khẩu 65 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã giao chỉ tiêu cho từng nhóm ngành hàng cụ thể.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, quan điểm của Bộ là thống nhất từ tư duy đến hành động trong Bộ và toàn ngành, cùng nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành và tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 được Chính phủ giao.
Kế hoạch hành động được xác định phải rõ ràng, cụ thể, khả thi, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; việc phân công nhiệm vụ bảo đảm 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành".
Thống kê, quý I-2025, tăng trưởng toàn ngành Nông nghiệp đạt 3,7%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cả năm đạt từ 4,0-4,2%, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đặt mục tiêu cho các quý còn lại của năm: Quý II đạt 4,1%, quý III đạt 4,2% và quý IV đạt 3,9%.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đặt mục tiêu cho từng ngành. Cụ thể, với lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) quý II đạt 3,89%, quý III đạt 4,1%, quý IV đạt 3,75%, cả năm đạt 3,85%. Với lâm nghiệp, quý II đạt 5,22%, quý III đạt 5,06%, quý IV đạt 5,25%, cả năm đạt 5,47%. Với thủy sản, quý II đạt 4,07%, quý III đạt 3,97%, quý IV đạt 3,89%, cả năm đạt 4,35%.
Để đạt được con số xuất khẩu 64-65 tỷ USD trong năm nay và hướng đến 70 tỷ USD, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt chỉ tiêu cho từng nhóm hàng. Đối với cà phê đạt con số 5,5 tỷ USD, cao su 3,3 tỷ USD, chè 270 triệu USD, gạo 5,7 tỷ USD, rau quả 7,6 tỷ USD, hạt điều 4,5 tỷ USD, hồ tiêu 1,35 tỷ USD, sắn và sản phẩm từ sắn 1,3 tỷ USD, chăn nuôi 550 triệu USD, thủy sản 10,5 tỷ USD, gỗ và lâm sản 18,5 tỷ USD và các sản phẩm khác đạt 5,88 tỷ USD.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu, toàn ngành cần bám sát và thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển của ngành trong các nghị quyết, chiến lược, quy hoạch ngành cấp quốc gia, các kế hoạch, chương trình, đề án lĩnh vực nông nghiệp và môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng phải bảo đảm hài hòa cả phía cầu và phía cung, coi trọng nâng cao chất lượng, giá trị đi đôi với gia tăng năng suất, sản lượng tương thích, phù hợp trong tấc cả các tiểu ngành, sản phẩm.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề ra 8 giải pháp cụ thể. Thứ nhất, nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới trong toàn ngành để đạt mục tiêu tăng trưởng. Thứ 2, hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ tăng trưởng ngành và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch. Thứ 3, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thứ 4, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thứ 5, tăng cường chuyển đổi số; thực hiện đột phá trong ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ 6, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Thứ 7, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Thứ 8, đẩy mạnh truyền thông phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.