Ngày 21-12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo.
Báo cáo tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề, động lực cho năm 2025 để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Đặc biệt, nhiều kết quả quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân đánh giá cao. Nổi bật là thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Cùng với đó, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp đã đạt được kết quả bước đầu.
Công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động “đi sớm, đi trước”, chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, năm 2025 toàn ngành tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật bao quát toàn diện các lĩnh vực; kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Các chỉ tiêu nổi bật ngành Tài nguyên và Môi trường đặt ra, gồm: Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường: 92% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; thu gom và xử lý 95% chất thải rắn đô thị, 80% chất thải rắn nông thôn. Chuyển đổi số: Hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu đất đai theo mục tiêu Nghị quyết 18-NQ/TƯ; tự động hóa 65% trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Khí tượng thủy văn: 100% thiên tai được giám sát, cảnh báo kịp thời; hình thành mạng lưới quan trắc hiện đại, kết nối quốc tế. Địa chất và khoáng sản: 80% diện tích lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000, hoàn thành điều tra tiềm năng khoáng sản các khu vực Tây Bắc, Trung Trung Bộ. Nguồn nước: 90-100% hồ chứa lớn hoàn thành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông vào đầu năm 2025.
Bên cạnh những thành tựu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy thẳng thắn chỉ ra, một số chính sách chưa theo kịp thực tiễn, gây lãng phí tài nguyên, nhất là đất đai; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại ở các lưu vực sông, cụm công nghiệp và đô thị lớn.
Năm 2025, ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ, bảo đảm quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên và ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đạt được trong năm 2024. Đây là năm mà Bộ không chỉ vượt qua nhiều thách thức, mà còn chỉ rõ những hạn chế và định hướng phát triển cho giai đoạn mới.
Đầu năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức hợp nhất, hình thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, nếu như trước đây "phần tâm hồn" ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn "phần thể xác" ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì sau khi hợp nhất sẽ tạo nên một thể thống nhất hoàn chỉnh. Đây không chỉ là sự gắn bó về cơ cấu tổ chức, mà còn là một triết lý phát triển mới, đặt môi trường làm trung tâm cho mọi định hướng phát triển.
“Chúng ta đang xây dựng một mô hình Bộ lớn, mạnh mẽ và có đủ năng lực để quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp và kinh tế tài nguyên hiệu quả nhất. Khi còn chia cắt, tư duy phát triển không thể xuyên suốt và hài hòa, dẫn đến lãng phí tiềm năng. Bộ mới sẽ giải quyết vấn đề này, đưa môi trường trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sự hợp nhất này không đơn thuần là phép cộng cơ học, mà là bước chuyển mang tính đột phá. Kỳ vọng, Bộ mới sẽ dẫn dắt các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế phát thải thấp, góp phần làm sạch môi trường sống, cải thiện đời sống nhân dân.
“Sự giàu có sẽ không có ý nghĩa, nếu đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nói.
Năm 2025 được xem là cột mốc quan trọng: Ngay từ đầu năm, bộ máy mới sẽ đi vào vận hành với yêu cầu phải bảo đảm tính liên tục trong công việc, tránh sự đình trệ. Bộ máy này cần mang tư duy đổi mới, tinh gọn và hiệu quả, tạo điều kiện để lãnh đạo, cán bộ phát huy tối đa sáng tạo, trách nhiệm.
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để Bộ mới phát triển mạnh mẽ hơn. Với sự đoàn kết và kế thừa truyền thống tốt đẹp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tin tưởng rằng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tạo ra những bước đột phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững, nơi người dân hạnh phúc và nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.