Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ LĐTBXH làm rõ Thông tư 26 về công việc không sử dụng LĐ nữ

Theo Thu Cúc| 20/12/2013 11:25

Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động. Ảnh: VGP/Thu Cúc

"Thông tư 26/TT-BLĐTBXH về danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ" chỉ áp dụng với những trường hợp có quan hệ lao động, kế thừa các Thông tư trước và kinh nghiệm quốc tế, được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để bảo vệ tốt hơn đối với lao động nữ.

Sau khi Thông tư 26/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/12/2013, nhiều ý kiến cho rằng những quy định về 77 công việc không được sử dụng lao động nữ là không sát với thực tế.

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã trao đổi với Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) Bùi Đức Nhưỡng xung quanh những ý kiến trái chiều về nội dung của Thông tư này.
Thông tư 26/TT-BLĐTBXH được xây dựng trên cơ sở nào? 77 công việc trong danh sách có được thực hiện khảo sát, đánh giá về tác động xã hội học trước khi ban hành không, thưa ông?

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Thông tư số 26 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định tại Thông tư liên tịch số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH- BYT; sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, người lao động trên website của Bộ LĐTBXH. Đồng thời, được tham khảo từ các điều ước quốc tế như Công ước 103 của ILO bảo vệ thai sản, Công ước 127 của ILO về giới hạn trọng lượng mang vác tối đa… Bản Danh mục đã được điều chỉnh phù hợp so với thực tiễn, trên nguyên tắc bảo vệ sức khỏe của lao động nữ, nhưng cũng không làm mất cơ hội tham gia làm việc của họ.

Về cơ bản, Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH không bổ sung các chức danh mới không được sử dụng lao động nữ so với Danh mục được ban hành trước đây. Tuy nhiên, sau khi ban hành Thông tư liên tịch số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH- BYT nêu trên, công luận chưa có ý kiến gì về các nội dung như báo chí đã phản ánh gần đây.

Vì vậy, chúng tôi ghi nhận những ý kiến của báo chí, cũng như người lao động quan tâm đến danh mục, đặc biệt là đối với các chức danh đã bị cấm từ năm 1986 (như lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn, mang vác vật nặng trên 50kg; nạo vét cống ngầm…). Qua đó cho thấy người sử dụng lao động, người lao động đã ngày càng quan tâm hơn đến quy định pháp luật lao động. Điều này rất có ý nghĩa cho việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng tính khả thi của văn bản; đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng tôi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và giải thích rõ hơn quy định của pháp luật.

Đối tượng điều chỉnh của Thông tư là những trường hợp có quan hệ lao động, không phải là những trường hợp tự quản. Xin ông giải thích rõ hơn về điều này?

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Thông tư số 26 là để hướng dẫn Điều 160 của Bộ luật Lao động, nên cần phải tuân thủ đúng theo phạm vi điều chỉnh nêu tại Điều 1 của Bộ luật Lao động, cụ thể là quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, Điều 160 đã quy định rõ: “Công việc không được sử dụng lao động nữ”. Ở đây, cụm từ “không được sử dụng” đã thể hiện rõ về quan hệ lao động. Vì vậy, đối tượng áp dụng nêu tại Thông tư là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân có sử dụng lao động nữ. Thông tư này không điều chỉnh những khu vực không có quan hệ lao động, chẳng hạn như những người nông dân tự làm việc trên cách đồng của họ.

Hiện tại, Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động mở rộng phạm vi điều chỉnh đến những khu vực chưa có quan hệ lao động, ví dụ người lao động làm việc nặng nhọc nguy hiểm theo thời vụ tại các công xưởng, bến bãi... Những người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sẽ được bảo vệ khi Luật này được ban hành.

Trên thực tế có nhiều người phụ nữ đang làm các công việc được quy định không sử dụng lao động nữ tại Thông tư. Hầu hết họ có trình độ thấp, khó có khả năng tìm được các công việc khác phù hợp với giới tính với mức lương tương tự. Việc ban hành danh mục này có khả năng làm tăng tỉ lệ thất nghiệp của nữ giới không, thưa ông?

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Tôi xin khẳng định, Danh mục không sử dụng lao động nữ nói chung được xây dựng trên cơ sở kế thừa những chức danh nghề được ban hành từ năm 1968. Qua 4 lần sửa, đến nay số lượng chức danh nghề không được sử dụng lao động nữ nói chung chỉ giảm đi mà không hề tăng thêm. Riêng đối với các chức danh không được sử dụng lao động nữ đang mang thai và nuôi con duới 12 tháng tuổi thì ngày càng được cụ thể hơn dựa trên những điều kiện lao động có hại đã được quy định.

Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH đã bỏ đi những chức danh không còn phù hợp như bỏ “công việc với xăng dầu tại các trạm bán lẻ”; nâng giới hạn trong lượng mang vác từ 30kg lên 50kg; bổ sung việc không cấm sử dụng đối với việc lái xe ôtô có trọng tải trên 2,5 tấn có hệ thống trợ lực…

Do đó xét về lý thuyết, khi không tăng thêm các chức danh nghề, công việc đã bị cấm so với giai đoạn trước thì không gây nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp, mà còn tạo nhiều cơ hội làm việc. Cũng xin nhắc lại đây là Thông tư ban hành danh mục công việc không sử dụng lao động nữ, chứ không phải danh mục cấm lao động nữ tham gia.

Trong trường hợp người lao động đang làm các công việc thuộc danh mục trong Thông tư thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chuyển họ sang công việc khác phù hợp với sức khỏe, đào tạo lại nghề để họ thích nghi với công việc mới.

Nhiều ý kiến cho rằng để Thông tư thực sự đi vào cuộc sống, trước khi ban hành cần được tuyên truyền sâu rộng đến người lao động, ông nghĩ sao về điều này?


Ông Bùi Đức Nhưỡng: Điều đó rất cần thiết và sẽ hỗ trợ tốt cho việc xây dựng chính sách khoa học, phù hợp với thực tiễn hơn. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đưa thông tin về các chính sách mới, các quy định về vệ sinh an toàn lao động lên bản tin phát thanh của các xã, phường, đến với các làng nghề có sử dụng nhiều lao động nữ.

Để chính sách đi vào cuộc sống, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền cho cả người sử dụng, người lao động nữ hiểu để thực hiện cho đúng quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm chính trong việc chuyển đổi công việc phù hợp sức khỏe lao động nữ theo Thông tư này.

Thưa ông, quy định đã ban hành, vậy việc giám sát, kiểm tra và chế tài xử phạt khi vi phạm sẽ thực hiện như thế nào?


Ông Bùi Đức Nhưỡng: Thông tư 26 đã quy định rõ trách nhiệm của Sở LĐTBXH trong việc phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ sở sử dụng lao động nữ; tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó quy định xử phạt từ 10-20 triệu đồng khi vi phạm Điều 160 của Bộ luật Lao động.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ LĐTBXH làm rõ Thông tư 26 về công việc không sử dụng LĐ nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.