Hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất vay ngân hàng Trung Quốc 7.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, gói vay này chưa thực sự thuận lợi, lãi suất cao nên đang phải đàm phán lại.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN) |
Bộ trưởng Dũng cho biết, hiện nay điều kiện vay vốn với khoản vay này chưa thực sự thuận lợi, lãi suất cao, lại đặt ra yêu cầu chỉ định thầu nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại, để thay đổi điều kiện vay cho thuận lợi hơn, lãi suất thấp hơn và bỏ điều kiện chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc.
Bộ trưởng cho biết thêm hiện nay với dự án Vân Đồn-Móng Cái thì ngoài khoản vay của Trung Quốc đồng ý cho vay, chưa có nhà đầu tư nào tham gia.
Liên quan đến câu hỏi chúng ta đã có nhiều bài học về vay vốn Trung Quốc dẫn đến những dự án này bị đội vốn, chậm tiến độ như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, xe buýt nhanh… Bộ trưởng chia sẻ: Việc tiến hành vay vốn từ Trung Quốc là do nước này có thỏa thuận với Việt Nam. Thỏa thuận này mở rộng ở tất cả lĩnh vực, song Việt Nam có lựa chọn, dự án nào có lợi thì vay và không có lợi thì không vay.
"Chúng ta có quyền tìm kiếm đối tác để vay và đương nhiên là các điều kiện có lợi thì mới vay. Chính phủ đang đa dạng hóa tất cả các nguồn vay. Điều kiện vay thế nào, vay ai... cũng phải xem xét cẩn trọng, không phải cứ có nguồn vay tốt mà không chú ý. Còn quyết định cuối cùng phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, vay thế nào, sử dụng vốn ra sao," Bộ trưởng nói.
Từ những dự án mà Việt Nam đang thực hiện có vay vốn của Trung Quốc bị đội vốn… Bộ trưởng cho biết, đó là bài học mà các bộ, ngành, Chính phủ phải xem xét khi tính toán chuyện có vay hay không.
“Giờ chúng ta đang để mở, không khẳng định là có vay hay không, vì đang phải đàm phán tiếp xem điều kiện vay như thế nào rồi mới quyết định vay và đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái,” Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Với câu hỏi, đối với việc vay vốn nước ngoài, nhất là vay vốn ưu đãi Trung Quốc thường đi kèm rất nhiều điều kiện. Nếu tính cộng những điều kiện này thì có khi giá đi vay không hề rẻ, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: "Đó là vấn đề". Điều kiện đi kèm vốn vay ưu đãi thì tùy từng nhà đầu tư. Có nhà đầu tư đa phương thì họ không quan tâm việc buộc nhà thầu phải là của họ, phải mua hàng hóa vật tư của họ... Nhưng nhà thầu song phương họ lại quan tâm điều này.
"Cái chính là chúng ta phải hài hòa lợi ích người đi vay và cho vay. Qua đó giảm thiểu những rủi ro đi kèm và minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, giảm chi phí không hợp lý. Ví dụ như trong dự án này, chúng ta đang cố gắng đàm phán không chỉ định thầu là nhà thầu Trung Quốc, tất cả phải đấu thầu công khai. Đạt được điều kiện này thì sẽ tăng hiệu quả của dự án," Bộ trưởng bày tỏ.
Cũng liên đến câu hỏi mà nhiều người dân đang đặt ra là tại sao không tính toán vay trong nước để làm các dự án, Bộ trưởng Dũng cho rằng, vay trong nước chi phí cao hơn nên cần phải tính toán hài hòa, không phải cứ vay là được. Vay mà chi phí cao thì hiệu quả thấp./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.