Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có phản hồi chính thức gửi báo chí về việc 100 giáo viên dạy hợp đồng tại các trường mầm non trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã 8 tháng liền chưa được nhận lương.
Cụ thể, ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, đã có trả lời cụ thể với độc giả.
Công văn nêu rõ, sau khi nắm bắt thông tin vụ việc, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông báo cáo cụ thể tình hình và có phương án tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết kịp thời.
Ngày 1-11-2017, Sở GD-ĐT Đắk Nông đã có Công văn số 2007/SGDĐT-TCCB báo cáo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, năm học 2017-2018, tỉnh Đắk Nông có số trường, số học sinh tăng do dân số trẻ và di dân tự do, nhưng biên chế sự nghiệp giáo dục của tỉnh không được Chính phủ giao bổ sung, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên (đặc biệt là giáo viên mầm non).
Trên cơ sở ý kiến tham mưu, đề xuất của Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1434/QĐ-UBND đồng ý hợp đồng 385 GVMN, kinh phí chi trả từ ngân sách của tỉnh, trong đó thị xã Gia Nghĩa được giao hợp đồng 22 GVMN.
Tuy nhiên, năm học 2017-2018, UBND thị xã Gia Nghĩa đang hợp đồng 111 giáo viên (gồm 22 GVMN hợp đồng theo quyết định số 1434/QĐ-UBND và 89 giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu được UBND tỉnh Đắk Nông giao). Do đó, Kho bạc nhà nước đã từ chối giải quyết chế độ lương đối với 89 giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu này.
Theo Thông báo số 1104/TB-VPUBND ngày 28-12-2017 của Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông thông báo kết luận của bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 27-12-2017, đến nay UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý về nguyên tắc cho UBND thị xã Gia Nghĩa chi trả tiền lương, tiền công đối với các trường hợp đã hợp đồng tại các trường học, nguồn kinh phí chi trả lấy từ nguồn ngân sách thị xã Gia Nghĩa và các nguồn hợp pháp khác.
UBND tỉnh Đắk Nông đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin tăng thêm biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đồng thời chỉ đạo rà soát lại hợp đồng, tổ chức sắp xếp, phân công lại giáo viên hợp lý, loại bỏ các biên chế bất hợp lý, điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.
Ngoài ra, ông Trần Kim Tự cũng có những chia sẻ về vấn đề dự phòng biên chế các ngành giáo dục trong bối cảnh số học sinh tăng.
Hiện nay, việc giao biên chế, bổ sung biên chế trong tổng biên chế dự phòng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Nội vụ (quy định tại Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ).
Bộ GD-ĐT có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản quy định về định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục. Hiện nay, định mức số người làm việc trong các cơ sở GDMN, phổ thông đang được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ GD-ĐT.
Hàng năm, trên cơ sở định mức quy định tại các Thông tư này, các địa phương xây dựng Đề án vị trí việc làm và đề xuất số lượng người làm việc gửi Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo Chính phủ giao cho các tỉnh, trong đó có số lượng người làm việc của ngành giáo dục.
Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong trường hợp số học sinh tăng dẫn đến số lớp tăng, cần ưu tiên biên chế để bố trí giáo viên kịp thời cho những cơ sở giáo dục tăng quy mô lớp theo định mức quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.