Sáng sớm ngày 19-12-1972, đơn vị chúng tôi vừa tổ chức tổng kết trận đánh vào đặc khu biệt kích ở Đắc Pét - Kon Tum và kết thúc chiến dịch Hè - Thu năm 1972 ở chiến trường Quân khu 5 và Tây Nguyên.
Chúng tôi đang góp chuyện rôm rả về lần đại đội hỏa tiễn A12 đi cùng bộ đội đặc công vượt cửa mở phóng tên lửa đánh trận địa pháo 105 li của địch ở Đắc Pét; về đại đội cối 120 li tiêu diệt nhiều trực thăng địch đổ quân ứng cứu cho bọn lính đang bị bao vây…
Đại úy Thanh Kim mở chiếc đài bán dẫn. Chúng tôi đang chăm chú lắng nghe giọng hát du dương của một nữ ca sĩ. Lời ca đang vút cao thì đột nhiên mất tiếng. Lúc này là 4 giờ 51 phút ngày 19-12-1972. Tưởng đài bị lệch sóng, Thanh Kim dò tìm lại. Nhưng không phải, vẫn có tín hiệu của một số đài phương Tây. Tôi rời khỏi võng, đến vỗ vai Kim, nói nhỏ: "Hay là… Hay là?"... Kim nói tiếp luôn: Tối qua nghe đài BBC phát tin: "Tổng thống Mỹ Níchxơn tuyên bố cho không quân Mỹ tập kích vào Bắc Việt Nam bằng máy bay B-52".
Một linh cảm đến với tôi, Hà Nội bị B-52 đánh? Hay Đài Phát thanh Mễ Trì cũng đã bị trúng bom B-52 Mỹ?
Lúc này toàn thể anh em đã ra khỏi võng.
Căng thẳng và căm thù đến tột độ.
Nhưng chỉ trong ít phút, chúng tôi vui mừng nghe tiếng nói thân thương:
"Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa....". Chúng tôi thở phào, sung sướng.
Qua đài phát thanh, đặc biệt là hôm 19-12-1972, anh em Quân giải phóng miền Nam chúng tôi biết, ngay đêm chiến đấu đầu tiên, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 3 máy bay B-52, một chiếc rơi ngay tại chỗ ở cánh đồng Phủ Lỗ. Trong các cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, giặc Mỹ đã huy động 50% tổng số máy bay chiến lược B-52 của Mỹ trên toàn thế giới. Tại Hà Nội, giặc Mỹ đã oanh tạc dã man Gia Lâm, Đức Giang, nội thành Hà Nội và cả Đài Phát thanh Mễ Trì, làm đài ngừng hoạt động một thời gian ngắn.
Căm phẫn trước những tội ác dã man của giặc Mỹ với quê hương miền Bắc thân yêu, ngay trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, pháo binh Quân giải phóng miền Nam đã tổ chức những trận pháo kích trả thù, đánh trúng các sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn, Chu Lai, Phù Cát, Cam Ranh, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Biên Hòa… và nhiều vị trí quan trọng khác của giặc Mỹ khắp miền Nam.
Mãi sau này, ông Lý Văn Sáu, nguyên Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, kể lại cho biết: Sáng 19-12-1972, ngay sau khi Đài Phát thanh Mễ Trì bị trúng bom B-52 phải ngừng hoạt động, một đài phát thanh dự bị đã ngay lập tức phát sóng, truyền đi khắp nơi tin chiến thắng của quân dân Hà Nội, quân dân cả nước trên các chiến trường, trên mặt trận ngoại giao và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới.
Cũng trong những ngày cuối tháng 12-1972 , đầu năm 1973 và tiếp sau, bộ đội Giải phóng ở khu vực Trung Trung bộ và Tây Nguyên được tiếp nhận từ hậu phương lớn miền Bắc chuyển vào nhiều trọng pháo hạng nặng các cỡ từ 122mm, 130mm, 152mm...; nhiều đoàn xe tăng, thiết giáp, pháo phòng không hiện đại cùng những đơn vị bộ binh, công binh, đặc công, thông tin, cao xạ, pháo và hỏa tiễn chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Những đơn vị lớn này đã lập nhiều chiến công xuất sắc, giải phóng Buôn Mê Thuột, rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Rừng Trường Sơn hướng về Thủ đô Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không như thế đó, mọi người đều cùng một dự cảm: "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.