(HNMO) - Hôm nay, 8-5, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng việc mua sắm hàng hóa của người dân diễn ra bình thường, không có hiện tượng tích trữ và không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, các địa phương đã chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19.
Như tại Hà Nội, lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng, khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. Sở Công Thương Hà Nội đã xác định tổng lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo từng cấp độ dịch.
Tại Vĩnh Phúc, các đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu có cam kết cung ứng đủ nhu cầu của người dân trước diễn biến mới của dịch Covid-19. Số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa được thực hiện theo 5 cấp độ dịch.
Tại Hà Nam, qua kiểm tra tại các chợ và siêu thị, tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Tại thành phố Đà Nẵng, đến nay, người dân vẫn mua hàng bình thường, chỉ có số ít người có tâm lý mua hàng dự trữ nhưng thị trường vẫn ổn định, không có biến động nhiều.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động. Một số trung tâm thương mại lớn trong thành phố có lượng khách đến mua giảm hơn so với bình thường. Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị bảo đảm đầy đủ, liên tục, thông suốt các mặt hàng xăng, dầu, lương thực, thực phẩm thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn…
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn các đơn vị kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và “Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà tầng), siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
Cũng theo Bộ Công Thương, tại các tỉnh có dịch khác như: Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam…, tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với sở công thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa; phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.