(HNM) - Sau 8 năm thực hiện bình ổn giá vào mỗi dịp tết, từ tháng 6-2010, TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện chương trình bình ổn giá quanh năm. Qua 4 tháng triển khai, Sở Công thương cho rằng hàng bình ổn giá đã góp phần chi phối thị trường, làm giảm sức ép tăng giá, tuy nhiên đã bộc lộ một số bất hợp lý trong quản lý các điểm bán hàng bình ổn.
Thịt lợn là một trong những mặt hàng được chú trọng bình ổn giá vì lượng tiêu thụ rất lớn. |
Thêm mặt hàng bình ổn
Hiện TP Hồ Chí Minh đang thực hiện bình ổn 8 mặt hàng gồm: gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến và rau củ quả. Với lượng hàng hóa chiếm 20 - 30% thị phần và giá thấp hơn thị trường 10%, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng chương trình bình ổn đã phần nào chi phối giá cả ở thị trường, góp phần làm giảm tốc độ tăng giá. Cụ thể, sau khi thực hiện bình ổn từ tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng 7 và 8 giảm 0,09% và 0,25%. CPI tháng 9 tăng 0,97% nhưng các nhóm thuộc hàng bình ổn chỉ có mức tăng nhẹ.
Trong quý IV này, giá cả có xu hướng tăng vì nhu cầu mua sắm tiêu dùng cao. Dự báo của Bộ Công thương cũng cho thấy năm nay giá cả sẽ diễn biến phức tạp do giá vàng tăng; mưa lũ, dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, để giá cả không bị biến động mạnh vào những tháng cuối năm, thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn phải tăng cường dự trữ để bảo đảm hàng hóa đủ sức chi phối thị trường 20 - 50%. TP Hồ Chí Minh cũng xem xét đưa nhóm hàng thủy, hải sản vào diện bình ổn giá để đa dạng hóa mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Hiện Tập đoàn Phú Cường đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá mặt hàng thủy, hải sản cho thành phố. Dù không vay vốn ưu đãi, tập đoàn này vẫn cam kết cung cấp khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng thành phố và không tăng giá bán sản phẩm từ nay đến tháng 3-2011.
Các doanh nghiệp tham gia bình ổn cho biết, cho đến thời điểm này thì kế hoạch tạo nguồn hàng đã hoàn thành, lượng hàng hóa dự trữ còn nhiều hơn cả chỉ tiêu Sở Công thương giao để đủ cho thị trường thành phố trước, trong và sau Tết. Cụ thể, mặt hàng gạo được Sở Công thương giao chỉ tiêu là 4.500 tấn/tháng đã được các doanh nghiệp trữ gấp rưỡi. Tương tự mặt hàng đường dự trữ vượt 9.000 tấn, thịt gia súc dự trữ vượt 660 tấn, thịt gia cầm dự trữ vượt gần 1.000 tấn… Các doanh nghiệp cũng cam kết giữ giá ổn định theo đúng mức giá đăng ký cho đến hết tháng 3-2011, bảo đảm thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%.
Quản chưa chặt!
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện 14 doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn đã có 1.983 điểm bán trên địa bàn thành phố, trong đó có 417 điểm bán ở các chợ truyền thống. Theo bà Lê Ngọc Đào, các chợ lẻ là nơi có diễn biến giá phức tạp nên thành phố đang khuyến khích và tạo điều kiện tăng cường điểm bán hàng bình ổn tại các vị trí này để tăng hiệu quả kiềm giá hàng hóa.
Mở thêm điểm bán hàng để tăng độ phủ của hàng bình ổn giá là một trong những nội dung Sở Công thương đề nghị doanh nghiệp tích cực thực hiện. Tuy nhiên, khi mở rộng điểm bán hàng cũng đồng thời phát sinh nhiều điểm bán không thực hiện đúng quy định của bán hàng bình ổn như không niêm yết và không bán đúng giá mà doanh nghiệp đã đăng ký. Theo bà Lê Ngọc Đào, qua 3 lần kiểm tra định kỳ, Sở Công thương đã loại 562 điểm bán hàng ra khỏi danh sách. Tại buổi sơ kết những tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp cũng thừa nhận nhiều điểm bán hàng của mình chưa nghiêm túc, tuy nhiên lại cho rằng việc quản lý các điểm bán lẻ để họ không tự ý tăng giá là rất khó vì quá nhiều điểm bán. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cho rằng một số điểm bán hàng hiểu nhầm là chỉ cần bán thấp hơn giá thị trường 10% mà không biết là cần phải bán đúng theo giá mà doanh nghiệp cam kết với thành phố nên khi thấy thị trường tăng giá thì tăng theo…
Trong khi khái niệm "bán thấp hơn thị trường 10%" vẫn còn đang tranh cãi vì chưa có chuẩn nào để căn cứ gọi là "giá thị trường" thì thành phố cần phải quản lý chặt hơn nữa giá đăng ký của doanh nghiệp và giá đến tay người tiêu dùng, không để tình trạng đăng ký giá một đằng và bán giá một nẻo. Thêm nữa, Sở Công thương cũng cần có biện pháp buộc doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với các điểm bán hàng của mình chứ không thể chỉ loại các điểm bán hàng ra khỏi danh sách rồi… xử "hòa" như hiện nay. Bởi, khi nhận vốn ưu đãi của thành phố và tổ chức các điểm bán hàng, doanh nghiệp phải có trách nhiệm quản lý tốt nguồn hàng. Có như vậy, người tiêu dùng mới được hưởng lợi từ nguồn vốn doanh nghiệp vay ưu đãi của ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.