(HNMCT) - Trước thực trạng không ít sản phẩm văn hóa trở nên phản cảm vì sử dụng tùy tiện các biểu tượng văn hóa lai căng, méo mó..., câu hỏi đặt ra là căn nguyên của tình trạng này là gì và cần phải làm gì để ngăn chặn các biểu tượng văn hóa Việt bị biến tướng, lai căng? Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Hồng Hải, giảng viên Khoa Nhân học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, người từng có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về biểu tượng văn hóa nhân câu chuyện này.
- Thưa PGS.TS Đinh Hồng Hải, biểu tượng văn hóa không chỉ là di sản dân tộc mà còn là niềm tự hào của mỗi quốc gia, là tín hiệu để bạn bè quốc tế nhận diện khi ta bước ra năm châu. Song hiện nay, rất nhiều biểu tượng văn hóa bị sai lệch, bị cách tân quá đà, thậm chí là lai căng khi ứng dụng vào đời sống đương đại. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Cần phải khẳng định, biểu tượng văn hóa chính là “dấu vân tay văn hóa” của mỗi dân tộc. Để hiểu về biểu tượng, chúng ta cần phân biệt hai thành tố hàm chứa trong mỗi biểu tượng: Một là những cái hiện hữu ta có nhìn thấy hay cầm nắm được, đó là những biểu tượng cụ thể được thể hiện qua các yếu tố văn hóa vật thể. Hai là những biểu tượng tinh thần, chẳng hạn như “tinh thần yêu nước”, “chủ nghĩa anh hùng”,... là những thành tố văn hóa trừu tượng hay văn hóa phi vật thể. Để có một thành tố văn hóa được gọi là biểu tượng quốc gia, nó cần có cả hai yếu tố nói trên.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều sản phẩm được gọi là “biểu tượng văn hóa” ở Việt Nam nhưng thực ra đó là những sản phẩm sao chép, bị lai căng, bóp méo... Chẳng hạn như áo dài “nhái" của Trung Quốc hay Ấn Độ, sư tử Trung Quốc, “rồng Pikachu”... Với những biểu hiện vật thể như vậy thì thật khó để biến nó thành sản phẩm văn hóa Việt Nam, càng không thể gọi là biểu tượng quốc gia được.
Tệ hại hơn, nhiều yếu tố văn hóa tinh thần đặc sắc của người Việt cũng đang bị lai tạp bởi ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc. Những thần tượng phi giới tính, những phong cách lả lướt của một số “sao" Hàn đang tác động rất nhiều đến văn hóa của giới trẻ ở Việt Nam.
- Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu dẫn đến thực trạng này?
- Có thể nói, thói quen đại khái khiến cho nhiều người chưa hiểu sâu, hiểu kỹ đã bắt chước cho giống văn hóa Trung Quốc hay Hàn Quốc chỉ để theo trend (xu hướng) mà không phải là một sự chắt lọc tinh hoa văn hóa các nước để làm giàu cho văn hóa Việt Nam như tinh thần ứng xử với văn hóa của cha ông ta trước đây. Làm như thế không phải là Việt hóa văn hóa từ bên ngoài mà chính là “đạo văn hóa”. Dĩ nhiên, những sản phẩm sao chép, nhái... thì đương nhiên nó sẽ không có giá trị về mặt văn hóa và cũng không có sức sống lâu bền.
- Hẳn là phải còn những nguyên nhân sâu xa khác nữa, thưa ông?
- Đã có rất nhiều bàn luận về biểu tượng văn hóa hay về xâm lăng văn hóa, nhưng có rất ít công trình đi sâu tìm hiểu về các biểu tượng văn hóa Việt Nam một cách nghiêm túc, khoa học và có hệ thống. Nói cách khác, nếu chúng ta không chuyên môn hóa hay học thuật hóa nghiên cứu biểu tượng thì những biểu tượng văn hóa bị biến tướng, lai căng hay mất gốc sẽ còn xảy ra nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể trách công chúng hay nghệ nhân vì nếu không hệ thống hóa thành chuẩn mực thì câu chuyện dùng sai và áp dụng sai là đương nhiên.
Thậm chí, nếu chúng ta không tiêu chuẩn hóa các sản phẩm văn hóa của mình thì đến lúc nước khác sẽ làm trước và lúc đó chúng ta sẽ mất trắng. Điều này từng xảy ra với nước mắm Phú Quốc hay đàn bầu Việt Nam bị Thái Lan, Trung Quốc sử dụng thương hiệu, nhận là của họ...
- Luật pháp nước ta hiện vẫn thiếu những quy định rõ ràng về những chuẩn mực, tiêu chí để nhận diện, đánh giá các biểu tượng văn hóa, nhất là trong những tình huống tranh chấp xảy ra. Theo ông, đây có phải là một lỗ hổng khiến các biểu tượng văn hóa của dân tộc bị xâm hại?
- Dĩ nhiên, người dân có quyền đòi hỏi Nhà nước phải ra luật. Nhưng luật thì phải căn cứ trên thực tế. Trong khi thực tế đang diễn ra như nào thì chưa có ai thống kê, tập hợp, nghiên cứu. Vậy thì Nhà nước lấy căn cứ vào đâu để đưa ra luật?
Việc biến tướng áo dài, họa tiết hoa văn dân tộc bị đặt không đúng chỗ, hay hình ảnh con rồng đôi lúc không giống với nguyên mẫu đều là những vụ việc được coi là nhỏ và vụn vặt. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục để cho nó diễn ra thì sẽ có lúc ta chẳng còn gì cả! Vậy chúng ta phải làm gì nếu không tập trung thành một vấn đề có tính hệ thống? Và chúng ta phải làm như thế nào?
Một trong những ví dụ tiêu biểu về vấn đề này là Công văn 2662 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó đã đề cập đến vấn đề này một cách hệ thống, chỉ rõ sư tử đang có mặt tại rất nhiều nơi ở Việt Nam là ngoại lai. Tại sao công văn ấy lại được thực hiện tốt? Đó là vì nó đã chỉ đích danh con sư tử ấy là ngoại lai, do sao chép của Trung Quốc và đương nhiên sao chép là không thể chấp nhận được.
Nhưng rồi, tiếp theo công văn ấy chưa có một văn bản nào khác hướng dẫn như thế nào là lai căng, như thế nào là bản địa và cũng chưa có một tiêu chí, quy định cụ thể nào về vấn đề này.
Tương tự như vậy, áo dài ai cũng biết là đẹp, là trang phục gắn bó với các thế hệ người Việt, thế nhưng cần phải có những căn cứ đủ để chứng minh cái áo dài này là của Việt Nam. Hiện nay chưa có một văn bản hoàn thiện nào được trình lên các cơ quan Nhà nước (chứ chưa nói là UNESCO) để khẳng định áo dài là của Việt Nam cả, cho dù tư liệu lịch sử đều có ghi chép áo dài Le Mur của họa sĩ Cát Tường.
Chính vì thế, dù biết rằng Trung Quốc nhái áo dài của ta nhưng ta không kiện được. Ta chỉ có thể khẳng định đó sản phẩm “đạo” khi ta có căn cứ, tiêu chí và phải được văn bản hóa, học thuật hóa và thể chế hóa.
- Một cách khái quát nhất, theo ông trong thời gian tới cần tiếp tục làm gì để ngăn chặn tình trạng bóp méo, lai căng biểu tượng văn hóa? Trong tương lai, các nhà quản lý có cần xây dựng bộ chuẩn mực, quy định cụ thể để có thể dễ dàng ứng dụng các biểu tượng văn hóa, thưa ông?
- Tiêu chí hóa, học thuật hóa, thể chế hóa và cuối cùng là luật hóa, đó là những bước đi bắt buộc để các sản phẩm văn hóa Việt Nam nói chung và biểu tượng văn hóa Việt Nam không rơi vào tay người khác. Để tiêu chí hóa thì phải có văn bản hướng dẫn. Để học thuật hóa thì phải có các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thực hiện (như ta đã làm với các di sản văn hóa khác). Để thể chế hóa thì phải trình lên Bộ trưởng, lên Thủ tướng một bộ hồ sơ, nếu chỉ báo cáo "miệng" thì rất khó để cấp trên phê duyệt. Hoàn thiện được các bước trên thì mới có thể luật hóa.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.