Văn hóa

Hình tượng tiên cưỡi rồng dưới góc nhìn bản sắc văn hóa dân gian

Nguyễn Hùng Vĩ 10/02/2024 12:29

Trong điêu khắc và hội họa dân gian Việt Nam, các hình tượng tiên cưỡi rồng xuất hiện nở rộ vào các thế kỷ XVI, XVII và XVIII.

tien-cuoi-rong-1.jpg
Tiên cưỡi rồng đền Vua Lê, Hoa Lư, Ninh Bình.

1. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra ý kiến nhằm giải thích hiện tượng được coi là đặc biệt này của mỹ thuật Việt Nam. Đa số nhấn mạnh hình tượng tiên cưỡi rồng với các ý như sự sinh động và uyển chuyển của kiểu thức tạo hình; sự dân dã, bình dân trong đề tài; hình tượng người phụ nữ được tôn vinh trong mỹ thuật; tính chất chống phong kiến, chống các triết lý Nho giáo, tinh thần chống vương quyền của nhân dân...

Tất cả các ý kiến đó đều có phần có lý và đáng trân trọng.

Tuy nhiên, các tác giả thường quá chú trọng đến sự đối trọng giữa nội dung của hình tượng khi đem nó so sánh với các triết lý Nho giáo bó buộc quyền sống, quyền tự do của người phụ nữ trong chế độ phong kiến, qua đó nêu bật ý nghĩa phản phong của loại hình tượng này.

Chúng ta dễ nhận ra, đây có thể là quán tính tư duy của một thời kỳ lâu dài tiến hành cuộc đấu tranh với chế độ cũ để xây dựng chế độ mới, mà chưa có góc nhìn tổng hợp hơn về bản thân hình tượng và lý giải sự tồn tại của nó trong thiết chế khắt khe của chế độ phong kiến quân chủ. Khi “đọc” hình tượng, các tác giả có xu hướng mặc định: Rồng là vua chúa, tiên là dân nữ. Dân nữ cưỡi lên cả vua chúa, dẫn đến kết luận ca ngợi tinh thần chống Nho giáo, chống vương quyền của mỹ thuật dân gian. Không chỉ trong mỹ thuật mà trong văn học dân gian ta cũng thấy rõ quán tính này.

Nhưng, cách lý giải kiểu quán tính này không thể giải đáp được câu hỏi: Tại sao hình tượng tiên cưỡi rồng lại có thể tồn tại nhiều thế kỷ như vậy khi ta biết rằng kỵ húy là rất nghiêm khắc trong chế độ phong kiến; nhiều vụ án "văn tự ngục" đã diễn ra? Nó không phải là những gì dễ che giấu con mắt của cả hệ thống quản trị xã hội từ trên xuống dưới nếu đó là phát ngôn tư tưởng "khi quân".

Chắc nó phải có một thông điệp khác để vẫn an toàn qua chừng ấy thời gian. Chúng ta sẽ lần theo tư duy tích hợp của văn hóa và nghệ thuật dân gian để quan sát nó một cách đa chiều, ít nhất trên các mặt: Tưởng tượng cộng đồng, sự hỗn dung tín ngưỡng và tôn giáo, quan sát hình ảnh chăm chú hơn, so sánh kiểu thức tương đồng...

tien-cuoi-rong-2.jpg
Tiên cưỡi rồng, chạm khắc đình Thắng, thế kỷ XVII. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

2. Rồng trong mỹ thuật dân gian không chỉ là biểu tượng của vua chúa.

Thế giới thủy quái dưới dạng linh vật đã xuất hiện trên đồ đồng Đông Sơn với các hình ảnh như thuồng luồng, cá sấu, giao long. Thư tịch cổ từ sớm đã ghi dân phương Nam thờ giao long, xăm hình giao long. Tính về biểu tượng, nó tương đương với loài rồng sống dưới nước sau này.

Rồng và tiên còn được cư dân cổ xưa nước ta coi là thủy tổ, điều này được huyền thoại hóa thành “Bố Rồng - Mẹ Tiên”, thành truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng sinh ra dân tộc Việt Nam.

Đa số hiện vật rồng đời Lý - Trần không phải là biểu tượng cho đế vương mà đó là rồng trong văn hóa Phật giáo. Cột đá chùa Dạm, trụ đá Bách Thảo, các bệ tượng Phật có rồng... đều dùng điển tích, điển phạm Phật giáo: Thế giới long chủng và các biểu tượng của nó như long vương, long châu, long nữ hiến châu, song long hiến châu, long nữ thành Phật, long chủ tiên, long đầu Quan Âm... Do đó, ít nhất từ khoảng thế kỷ II sau Công nguyên, nhận thức biểu tượng rồng thấm đẫm văn hóa Phật giáo trong cõi nhân gian không thể xóa mờ, dù sự phát triển chế độ phong kiến Việt Nam sử dụng Nho giáo như một lý thuyết chính thống quản trị xã hội.

Bình thường, mọi người dễ dàng nghĩ rằng, khái niệm tiên là của Đạo giáo. Tuy nhiên, do sự đồng dụng tam giáo, nên biểu tượng tiên cũng đậm đà trong văn hóa Phật giáo và cả tín ngưỡng dân gian. Mục từ “tiên nhân” trong “Phật quang đại từ điển” ghi rõ: “Những tiên nhân này giữ giới cấm được trọn vẹn, thường tu khổ hạnh..., có 5 thần thông, bay được trong hư không... Phật được gọi là đại tiên vì ngài là bậc tôn quý nhất trong hàng tiên nhân”. Vậy, chữ “tiên” trong dân gian cũng là sự tích hợp văn hóa các hệ tín ngưỡng.

Vấn đề nữ quyền trong nghệ thuật và văn hóa dân gian không chỉ bó hẹp trong những quan niệm trọng nam khinh nữ của Nho giáo. Từ bản thể, vai trò người phụ nữ Việt Nam xưa đã được nhân gian thừa nhận. Là nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, người phụ nữ mới là chủ thể của sản xuất lúa từ tất cả các khâu và cả trong sản xuất thủ công nghiệp hay buôn bán. Vai trò người phụ nữ Việt Nam đã được các giáo sĩ phương Tây ghi nhận từ thế kỷ XVIII. Vậy nên, không thể tưởng tượng hình tượng tiên cưỡi rồng là sự vùng lên của phụ nữ đối với vương triều.

Quan sát kỹ hơn về việc miêu tả hình ảnh tiên cưỡi rồng, ta thấy các tác phẩm mỹ thuật Phật giáo phương Đông đã từng diễn đạt. Đó là các hình ảnh Quan Âm Bồ Tát cưỡi rồng quá hải để thi ân bố đức cho những người đau khổ. Không những thế, Quan Âm Bồ Tát còn cưỡi cá chép, quái ngư, cá chép hóa rồng... Cũng trong thế giới tiên, ta gặp hàng loạt hình ảnh của tiên nữ nhà trời (Phi thiên) bay lượn múa hát và dâng hoa cho Đức Phật trong dáng dấp uyển chuyển như là tiên cưỡi rồng mà ta thấy trong mỹ thuật Việt Nam thời trung đại.

Quan sát kỹ hơn hình ảnh tiên cưỡi rồng ở mỹ thuật Việt Nam, không khó khăn ta nhận ra được kiểu dáng của tiên mang đặc sắc văn hóa Phật giáo phương Nam. Hình ảnh tiên trong mỹ thuật Việt Nam có nét mặt bầu bĩnh của Bồ Tát, tai có hoa nối dài đến vai, động thái múa tay mềm dẻo. Trong bộ môn múa dân tộc cũng dạy 16 động tác múa tay là của vũ đạo Phật giáo. Đặc biệt, quan sát hình tượng phụ nữ trong các bức tượng trong văn hóa Chăm-pa, Khơ-me, Thái Lan, Lào, Myanmar... chúng ta thấy tính chất phương Nam quá rõ ràng. Phối cảnh tiên cưỡi rồng lên thiên giới với dải áo, bao xanh mềm mại, quấn với gió mây cũng gợi cho ta những hình ảnh các Phi thiên bay quanh Đức Phật rất phổ biến trong đồ tượng Ấn Độ.

tien-cuoi-rong-3.jpg
Tiên cưỡi rồng trên các bia chùa Keo, Nam Định.

3. Như vậy ở đây, qua cái nhìn tích hợp văn hóa, mỹ thuật dân gian đã thể hiện hình tượng tiên cưỡi rồng là một trầm tích, mà trong đó, truyền thống phương Nam, truyền thống Phật giáo đã lắng đọng thành vốn sáng tạo tập thể và có cơ hội thể hiện trong những công trình như bia, tượng, các cấu kiện đình quán. Và trong điều kiện mà xây dựng dân gian phát triển như các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, hình tượng ấy đã bùng nổ mạnh mẽ tạo thành một phong cách độc đáo, mang bản lĩnh và đặc sắc văn hóa Việt Nam.

Chính nhờ những thông điệp độc đáo như vậy, mà hình tượng tiên, rồng được trân trọng, phổ biến, tồn tại vững vàng cho đến ngày nay bên cạnh thông điệp rồng là đế vương của tư tưởng Nho giáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hình tượng tiên cưỡi rồng dưới góc nhìn bản sắc văn hóa dân gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.