Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu tình rầm rộ tại Ai Cập: Hệ lụy của 1/3 thế kỷ quyền lực

Vân Khanh| 29/01/2011 07:29

(HNM) - Nỗi lo sợ về một phản ứng lan truyền của cuộc

Ai Cập đang rung động vì biểu tình và bạo loạn.


Cuộc bùng nổ của người dân Tunisia phản đối chính sách kinh tế của giới chức nước này đang tạo hiệu ứng khôn lường trong thế giới Arab. Đã có 6 người Ai Cập tự thiêu để phản đối các biện pháp quản lý khiến dân chúng ngày một nghèo đói tại nước này.

Dòng người biểu tình vẫn ngày một dày đặc trên khắp đường phố của thủ đô Cairo đến các thành phố Alexandria, Mansura, Tanta, Aswan, Assiut và lan tới Kênh đào Suez... bất chấp dùi cui, hơi cay và súng đạn của cảnh sát nhóm "Phong trào ngày 6 tháng tư" - một tổ chức tập hợp các thanh niên Ai Cập - đã đưa ra lời kêu gọi đòi chấm dứt chế độ cai trị của Tổng thống H.Mubarak. Dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài ba thập kỷ qua, nâng lương tối thiểu, giải quyết nạn thất nghiệp và cải thiện trình trạng giá thực phẩm tăng tới mức không thể kiểm soát là những gì người dân Ai Cập mong muốn vào lúc này. Mặc dù lực lượng an ninh được tăng cường tối đa tại thủ đô Cairo và các thành phố lớn nhằm giảm thiểu các cuộc biểu tình nhưng tất cả vẫn không thể khiến những cảnh tượng hỗn loạn chưa từng xảy ra tại quốc gia Bắc Phi dịu bớt. Hai người chết và cuộc bắt giữ 1.000 người biểu tình trong khoảng 40 giờ qua của cảnh sát Ai Cập dường như không khiến tình hình được cải thiện.

Cho dù khẳng định sẽ làm mọi cách để tránh một cuộc ra đi như người đồng nhiệm Tunisia Ben Ali, thế nhưng cơn thịnh nộ chưa dừng lại của dân chúng đang là thách thức lớn đối với sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo Ai Cập đã 82 tuổi. Không chỉ tầng lớp dân nghèo đang hằng ngày phải gánh chịu áp lực bởi cuộc sống khốn khó, đội ngũ trí thức và nhiều chính trị gia cũng cho rằng đã đến lúc phải thay đổi sự tập trung quyền lực quá mức tại Ai Cập. Việc ông H.Mubarak không hề bổ nhiệm một cấp phó nào kể từ khi nắm quyền vào năm 1981 và có thể sẽ chọn con trai làm người kế nhiệm đang thành chủ đề quan tâm tại Bắc Phi. Ông Mohamed ElBaradei, người được trao giải Nobel hòa bình và là cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Liên hợp quốc, đã trở về Ai Cập từ Vienna (ngày 27-1) để gia nhập đoàn người biểu tình kêu gọi ông Mubarak từ chức. Mỹ, đồng minh gần gũi của Cairo và Pháp cùng nhiều quốc gia khác cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế để tránh bạo lực. Như vậy, nếu Cairo không nhanh chóng có giải pháp ổn định tình hình thì một cuộc chính biến tại Ai Cập theo kiểu cách mạng đường phố như từng diễn ra ở nhiều nước không phải là chuyện không thể xảy ra.

Sau Tunisia, các cuộc bạo động vì giá cả leo thang, thất nghiệp, tham nhũng đã nổ ra tại Algeria, những cuộc xuống đường đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức sau gần 32 năm tại vị cũng đang làm rung chuyển Yemen... Những dấu hiệu bất ổn tại một loạt các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi cho một sự thật không bao giờ xưa cũ là thượng bất nghiêm, hạ tắc loạn. Ai Cập không là một ngoại lệ, khi mà 2/3 trong số 80 triệu người ở nước Bắc Phi này có tuổi dưới 30 nhưng chiếm tới 90% số người thất nghiệp, 40% dân số có thu nhập dưới mức 2 USD/ngày và 1/3 người dân mù chữ. Đây là nguyên nhân khiến cuộc nổi dậy của dân chúng chỉ là việc không sớm thì muộn ắt sẽ phải xảy ra. Tương lai chông chênh của nhà lãnh đạo Ai Cập hiện nay chính là hệ lụy của những gì được ông "tích cóp" trong nhiều năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biểu tình rầm rộ tại Ai Cập: Hệ lụy của 1/3 thế kỷ quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.