(HNM) - Sự kiện Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam tại Quốc hội Hy Lạp mới được thành lập tiếp tục là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
|
Các đại biểu tham dự lễ ra mắt Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam. |
Buổi ra mắt Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam đã diễn ra trọng thể và ấm áp với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cao cấp của Hy Lạp, Đại sứ quán Việt Nam ở Athens và đặc biệt là sự có mặt của Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) Việt Nam do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu dẫn đầu. Với 23 nghị sĩ tên tuổi thuộc các chính đảng như ND, KKE… và ông E.Kefaloyannis, Tổng thư ký của đảng ND - đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền hiện nay - cựu Bộ trưởng Bộ Hàng hải làm Chủ tịch, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam là một sáng kiến được ấp ủ từ khá lâu nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ toàn diện giữa hai nước. Không chỉ là cầu nối giữa hai nghị viện và giúp tăng cường quan hệ trao đổi kinh nghiệm giữa hai Quốc hội, hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị chắc chắn sẽ góp phần tích cực hỗ trợ việc phát triển một cách thực chất và hiệu quả các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi và lâu dài về mọi mặt giữa Hy Lạp và Việt Nam.
Trong bối cảnh Hy Lạp đang phải chống đỡ với cuộc khủng hoảng nợ công và chính sự tồn tại của Chính phủ và Quốc hội Hy Lạp đã bị thử thách không ít lần suốt thời gian qua, sự ra đời của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị càng mang nhiều ý nghĩa. Điều này thể hiện những nỗ lực của Quốc hội Hy Lạp, tình cảm của Chính phủ và các nghị sĩ xứ sở Thần thoại đối với Việt Nam. Đây là minh chứng rõ nét và là biểu hiện sinh động cho tình đoàn kết truyền thống và sự nhất trí cao giữa các đảng phái, lực lượng chính trị và nhân dân Hy Lạp trong củng cố quan hệ hữu nghị với Việt Nam.
Dù nằm ở hai lục địa khác nhau với vị trí địa lý khác biệt, Hy Lạp luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển đất nước. Thay mặt QH và các nghị sĩ thành viên Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nghị sĩ Dimas Christos thuộc đảng ND cho biết, không chỉ Hy Lạp mà nhiều nước Châu Âu đã ghi nhận sự phát triển của Việt Nam những năm qua. Nhiều câu chuyện cảm động về mối giao lưu giữa hai nước cũng được bày tỏ trong buổi lễ khiến bầu không khí hữu nghị càng trở nên thân thiết. Trong đó, ấn tượng nhất là kỷ niệm của ông Pakis Sivenas, cựu Thống đốc khu vực Pellas ở phía bắc thủ đô Athens với câu chuyện đầy cảm động về chuyến thăm gia đình ông của Đại sứ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Macedonia của Hy Lạp được giải phóng (1912-2012). Tại cuộc gặp đó, bố ông - năm nay 108 tuổi - đã kể lại tường tận cuộc gặp nhiều người Châu Á đến Edessa và khu vực Macedonia để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong số này, cụ rất ấn tượng khi gặp một người thanh niên Việt Nam rất thông minh và giỏi tiếng Pháp. Cuộc gặp ấy sẽ qua đi nếu như bạn thân của cụ, một nhà báo (đã mất) cho biết từng có dịp phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1966 và được Chủ tịch cho biết đã từng đến phía bắc Hy Lạp, trong đó có Edessa khoảng năm 1916. Theo ông Sivenas, rất có thể người thanh niên Châu Á mà bố ông từng gặp cùng với câu chuyện kể lại của nhà báo trên chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà nhân dân Hy Lạp rất ngưỡng mộ. Với tình cảm chân thành, ông Sivenas hứa sẽ cùng với ĐSQ Việt Nam tiếp tục thu thập các thông tin và bằng chứng liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Edessa của Hy Lạp, góp phần xây dựng quan hệ gắn bó giữa hai nước.
38 năm sau khi Hy Lạp và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam đã chính thức ra đời như sự tiếp nối truyền thống hữu nghị và mối thiện cảm sâu sắc mà hai dân tộc dành cho nhau. Cùng với đó, việc Đoàn đại biểu QH Việt Nam đã thông báo sẽ sớm thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Hy Lạp của QH Việt Nam chắc chắn sẽ tạo thêm những kênh giao lưu hiệu quả nhằm vun đắp tình đoàn kết, sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, vì sự phát triển và thịnh vượng của hai nước.