(HNM) - Các đề án được trao giải
Một trong những đề án có hiệu quả trong thực tế là đề án P49 "Tăng cường năng lực giám sát đầu tư cộng đồng" do Thanh tra tỉnh Quảng Nam thực hiện. Việc triển khai đề án này đã hình thành được mối liên kết, cơ chế phối hợp hỗ trợ hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) giữa cơ quan thanh tra và Ủy ban MTTQ từ tỉnh đến huyện. Một số huyện còn bố trí ngân sách, kinh phí hoạt động, giúp ban GSĐTCĐ làm tốt hơn chức năng của mình. Tiêu biểu như qua thông tin từ Ban GSĐTCĐ phường Tân An, Thanh tra TP Hội An đã tiến hành 2 cuộc thanh tra đột xuất đối với 2 công trình (thiết chế văn hóa khối Tân Hòa và Trường Mẫu giáo Tân An). Kết quả, đã xử lý thu hồi, nộp ngân sách 136,8 triệu đồng.
Gian trưng bày đề án P34 “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng, chống tham nhũng” của khoa Báo chí (Học viện Báo chí và tuyên truyền). |
Tương tự, nhóm đề án về giáo dục đào tạo cho thanh thiếu niên cũng cho thấy hiệu quả khi có sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên. Đề án P34 "Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng, chống tham nhũng" của khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền đã thành lập được Câu lạc bộ Báo chí điều tra với sự tham gia của nhiều giảng viên, nhà báo điều tra giỏi và các chuyên gia về phòng, chống tham nhũng. Đề án cũng tạo được sự quan tâm, thu hút dư luận bằng nhiều hình thức như: Tổ chức triển lãm "Bộ sưu tập tác phẩm báo chí điều tra", xây dựng gói tài liệu giảng dạy và tập huấn về viết điều tra... Hay như đề án P14 "Minh bạch thông tin, lành mạnh hóa bổ nhiệm hiệu trưởng trường học" của Sở GD-ĐT Vĩnh Long đã tạo được tiền lệ tốt trong việc tuyển hiệu trưởng ở các trường THPT và bổ túc khi có sự tham gia của hội cha mẹ phụ huynh trong hội đồng tuyển chọn.
Bên cạnh kết quả đạt được, có một số đề án khi triển khai lại không nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan chính quyền địa phương nên phải mất thời gian trao đổi, giải thích, cung cấp thông tin. Chưa kể thời lượng giảng dạy về phòng, chống tham nhũng trong các trường đại học còn ít nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn... Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ): Hiện các đề án mới chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp (trong một xã hay một cơ quan). Sau khi kết thúc mà hiệu quả của đề án vẫn được duy trì, phát triển thì có thể sẽ nhân rộng trong tỉnh, thành, thậm chí trên toàn quốc. Đó chính là yếu tố then chốt thể hiện việc "biến ý tưởng thành chính sách".
Từng tham gia VACI nhiều năm liền, PGS.TS Nguyễn Trí cho rằng: "Cái được lớn nhất của VACI là rất nhiều đề án tham dự. Điều đó cho thấy mọi tầng lớp xã hội đều nhiệt liệt hưởng ứng đấu tranh phòng chống tham nhũng, sẵn sàng phát huy trí tuệ, sức lực vào công cuộc này. Do đó, Thanh tra Chính phủ cần nắm lấy cơ hội, nuôi dưỡng tinh thần đó để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn. Nếu chỉ từng đề án cố duy trì thì hiệu quả không lớn, nhưng nếu trở thành quy định pháp quy thì tầm ảnh hưởng rất lớn".
Với chủ đề "Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình, giảm tham nhũng", VACI 2013 đã thu hút 130 đề án tham dự. Ban Tổ chức đã trao giải cho 24 đề án thuộc 4 nhóm: Giám sát cộng đồng (8 dự án); truyền thông, nâng cao nhận thức (4 dự án); giáo dục đào tạo cho thanh thiếu niên (8 dự án) và ứng dụng công nghệ thông tin (4 dự án). Hầu hết các đề án được triển khai từ tháng 2-2014 và đến nay cơ bản đã hoàn thành kế hoạch hoạt động. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.