(HNM) - Có nhiều phương cách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), trong đó có biện pháp quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, thông qua việc ban hành những luật cụ thể - làm khung khổ pháp lý cho DN phát triển. Thực tế cho thấy, thời gian qua DN đã trở thành tâm điểm sự quan tâm của các ngành, các cấp.
Quy định minh bạch, thông thoáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Nhật Nam |
Những ngày cuối năm 2014 đã chứng kiến sự ra đời của Luật DN (sửa đổi). Theo các chuyên gia, luật lần này thật sự là một thay đổi lớn, mang tính tích cực như một bước đột phá và đáp ứng mong mỏi của cộng đồng DN. Cũng có ý kiến nhận định, số lượng DN đăng ký thành lập có thể sẽ tăng nhanh hơn trong các năm tới. Các tổ chức, đối tác quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại Châu Âu… cũng hoan nghênh luật này như một bước tiến dài trong việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc tiến tới hoàn thiện các luật là một quá trình. Dư luận xã hội, nhất là DN và cá nhân khi muốn thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn e ngại trước hàng loạt giấy phép. Vì vậy, Chính phủ luôn yêu cầu các bộ, ngành và địa phương rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm tiếp tục phát hiện, loại trừ những thủ tục không cần thiết. Luật DN 2014 ra đời đã thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của công dân, DN; với ý tưởng xuyên suốt là người dân, DN được tự do đầu tư, kinh doanh những gì luật pháp không cấm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, đây là sự "lột xác" và có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cải thiện căn bản môi trường kinh doanh. Các DN Việt Nam được quyền tự do kinh doanh theo những lĩnh vực mà luật pháp đã quy định, cho phép. Việc chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" cũng rất minh bạch và giảm chi phí cho người dân. Riêng dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam thì cần phải có việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trong lần đầu tiên. Luật DN năm 2014 cũng bỏ quy định DN phải hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Điều này có nghĩa là DN không cần đăng ký mã ngành, được tham gia nhiều lĩnh vực cùng một lúc và không phải xin phép bổ sung ngành nghề hoạt động khi có nhu cầu như trước đây…
Nhờ những đặc điểm tiến bộ trên nên đến nay, phần lớn DN cũng tỏ ra đồng thuận về việc tách riêng thủ tục thành lập DN với các thủ tục về đầu tư dự án và thủ tục có liên quan về cổ phần, cổ phiếu. Luật cũng tạo ra cơ hội lớn khi thừa nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là căn cứ để Nhà nước ghi nhận sự hình thành và gia nhập thị trường của DN. Đặc biệt, trước đây quy định một số ngành nghề không rõ ràng giữa thành lập DN và kinh doanh có điều kiện; nhưng theo Luật DN 2014, mỗi cá nhân có quyền thành lập DN, còn điều kiện về ngành nghề kinh doanh, cá nhân phải tự giác tuân thủ…
Theo Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ, năm 2015 cần tạo ra sự biến chuyển mạnh trong công tác nghiên cứu, ban hành luật, văn bản pháp lý; tạo "đường ray" cho DN hoạt động theo tinh thần minh bạch, thông thoáng, phù hợp thông lệ quốc tế. Đặc biệt, cơ quan chức năng nên soạn thảo một luật riêng về DN nhỏ và vừa, từ đó tạo căn cứ để thúc đẩy, thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN một cách thiết thực hơn. Ấy cũng chính là điều các DN đang chờ đợi và mong mỏi, đồng thời đó là biện pháp hiệu quả giúp DN vượt khó và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.